Xin ông cho biết những vướng mắc khó khăn trong bảo vệ và phát triển rừng ở Tây Nguyên?
Thực tế, hiện nay, mô hình các đơn vị quản lý bảo vệ, kinh doanh nghề rừng chưa ổn định, tổ chức và hoạt động không thống nhất. Các chủ rừng chịu trách nhiệm rất lớn nhưng những điều kiện cần thiết (kinh phí cấp hàng năm thấp, phân bổ chậm, đầu tư trang thiết bị hạn chế, lực lượng thiếu, yếu, nhiệm vụ, quyền hạn chưa rõ ràng, các chế độ đãi ngộ thấp…) để thực hiện nhiệm vụ còn rất hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Cơ chế hưởng lợi từ rừng còn nhiều bất cập, chưa bảo đảm thu nhập để thu hút, kích thích các thành phần kinh tế, cá nhân tham gia vào công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Người dân sống gần rừng không có lợi ích từ việc giữ rừng, trong khi đó nhu cầu mở rộng đất sản xuất để phát triển kinh tế, nhu cầu về gỗ, củi, các sản phẩm từ rừng phục vụ cho đời sống ngày càng lớn nên người dân đã xâm hại rừng để đáp ứng các nhu cầu nói trên.
UBND cấp xã được giao quản lý diện tích rừng rất lớn nhưng không được giao kinh phí, cũng không có cơ chế, trách nhiệm chưa rõ ràng, thiếu sự kiểm tra, giám sát dẫn đến diện tích này trên thực tế không có chủ quản lý bảo vệ rừng cụ thể…
Để khôi phục và phát triển rừng bền vững giai đoạn 2016 - 2020, vùng Tây Nguyên cần thực hiện các giải pháp như thế nào, thưa ông?
Mục tiêu bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng Tây Nguyên là đến năm 2020 diện tích rừng đạt 2,71 triệu ha và nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 49,8%, phát triển lâm nghiệp đồng bộ từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng hợp lý tài nguyên rừng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái bảo tồn đa dạng sinh học, cung cấp các dịch vụ môi trường, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân và giữ vững an ninh quốc phòng của khu vực Tây Nguyên.
Trên cơ sở đó, trước mắt cần hoàn thành việc rà soát, lập quy hoạch bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng khu vực Tây Nguyên vào năm 2017. Thực hiện nghiêm việc điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng theo hướng bảo vệ chặt chẽ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên và rừng sản xuất. Rà soát, đánh giá cụ thể bố trí cây trồng nông nghiệp ở Tây Nguyên (bao gồm cả cây trồng nông nghiệp, công nghiệp, lâm nghiệp), đề xuất cơ cấu cây trồng hợp lý nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn Tây Nguyên.
Theo báo cáo của các đơn vị chức năng, từ năm 2010 đến năm 2014, rừng Tây Nguyên đã giảm 307.000 ha, độ che phủ rừng giảm nhanh từ 51,9% xuống còn 45,8%, trữ lượng rừng giảm 57 triệu mét khối… Chỉ riêng mùa khô vừa qua, các tỉnh Tây Nguyên đã thiệt hại trên 5.400 tỷ đồng đối với sản xuất nông nghiệp và gần 70.000 gia đình đồng bào các dân tộc thiếu nước sinh hoạt… |
Chủ tịch UBND các tỉnh Tây Nguyên chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt các biện pháp quản lý bảo vệ rừng, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của từng địa phương. Trên cơ sở kết quả dự án Tổng điều tra kiểm kê rừng đã được công bố, giao trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng đến Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã, chủ rừng. Huy động các lực lượng công an, quân đội, các tổ chức chính trị, xã hội kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn tình trạng phá rừng lấy gỗ, lâm sản, đất sản xuất trái pháp luật, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, chống người thi hành công vụ. Không chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp trong khu vực trên 2,253 triệu ha hiện còn rừng tự nhiên sang mục đích khác kể cả các dự án, công trình đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai, đồng thời, quản lý chặt chẽ việc cải tạo rừng tự nhiên nghèo, nhất là rừng khộp.
Các tỉnh Tây Nguyên cũng cần rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các dự án chuyển đổi rừng sang các cây trồng khác và các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất lâm nghiệp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt từ năm 2006 đến nay. Kiên quyết thu hồi diện tích rừng, đất lâm nghiệp thuộc các dự án vi phạm pháp luật, không thực hiện đúng dự án được phê duyệt xử lý nghiêm, đúng pháp luật đối với tổ chức, cá nhân lợi dụng chủ trương cải tạo, chuyển đổi rừng nghèo kiệt để trục lợi, thực hiện nghiêm chủ trương dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên. Giải quyết kịp thời tình trạng di dân đến ngoài kế hoạch trước khi người dân phá rừng lấy đất sản xuất, tổ chức giải tỏa, thu hồi diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép để có kế hoạch trồng lại rừng. Các tỉnh Tây Nguyên cũng tổ chức sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp theo đúng phương án tổng thể đã được Chính phủ phê duyệt, quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến gỗ…
Nhà nước cần nghiên cứu, ban hành, triển khai các cơ chế, chính sách nhằm bảo đảm quyền và lợi ích cho các lực lượng tham gia bảo vệ và phát triển rừng như các doanh nghiệp, Ban quản lý, các tổ chức quản lý bảo vệ rừng, các hộ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng, hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng rừng…
Để thực hiện các giải pháp trên cần xây dựng và triển khai các đề án phát triển các chuỗi giá trị rừng tự nhiên và rừng trồng đối với từng đối tượng rừng tại từng địa phương, trong đó, xác định rõ vai trò, lợi ích của từng chủ thể tham gia chuỗi giá trị, bảo đảm cho các đối tượng tham gia có thu nhập ít nhất tương đương với các đối tượng tham gia sản xuất nông nghiệp. Có như vậy mới giải quyết được tận gốc tình trạng tranh chấp về lợi ích giữa việc phá rừng với việc bảo vệ và phát triển rừng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, ban hành một số cơ chế, chính sách về tài chính, chi phí, cơ chế hưởng lợi trong việc giao khoán, quản lý bảo vệ rừng hợp lý, thực sự bảo đảm ổn định sản xuất, nâng cao đời sống của người dân và doanh nghiệp, tạo động lực cho họ gắn bó với rừng. Nghiên cứu, sửa đổi các quy định về quyền hạn, chế độ chính sách đối với các lực lượng tham gia quản lý bảo vệ rừng, thống nhất mô hình lực lượng quản lý bảo vệ rừng. Ban hành cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi để các công ty lâm nghiệp được liên doanh, liên kết, định giá, giao vốn, vay vốn… trong quản lý bảo vệ rừng cũng như phát triển rừng…
Xin trân trọng cảm ơn ông!