Theo báo cáo của tỉnh, đến năm 2020, Điện Biên có 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đối với các xã đề nghị xét công nhận đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021, các huyện đã chỉ đạo rà soát và đánh giá, hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định vào quý IV năm nay.
Điện Biên hiện có 18 thôn, bản nông thôn mới và 10 thôn, bản kiểu mẫu. Tính đến tháng 6/2021, toàn tỉnh còn 4 huyện gồm Mường Chà, Điện Biên Đông, Tuần Giáo và Tủa Chùa chưa có xã nông thôn mới; 3 huyện gồm Điện Biên, Mường Chà và Nậm Pồ đã công nhận thôn, bản nông thôn mới kiểu mẫu.
Về sản phẩm OCOP, tính đến cuối quý II năm nay, toàn tỉnh có 35 sản phẩm của 19 chủ thể được chứng nhận OCOP cấp tỉnh. Tuy nhiên, đa số chủ thể có quy mô sản xuất nhỏ, sản lượng chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, một số còn mang tính thời vụ. Sản phẩm xuất bán ra thị trường mới ở mức bán tươi, sơ chế hoặc chế biến đơn giản, chưa có chế biến sâu để nâng cao giá trị. Các chủ thể hiện vẫn khó trong khâu xâm nhập vào thị trường tiêu thụ lớn. Bên cạnh đó, các chủ thể sản phẩm OCOP chưa có nhiều vùng sản xuất hàng hoá tập trung, khu bán hàng, giới thiệu sản phẩm; việc quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm hàng hoá còn gặp nhiều khó khăn;...
Mục tiêu Điện Biên đặt ra là đến hết năm 2025, tỉnh có 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Riêng 4 huyện chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới cần chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình và giải pháp cụ thể để đầu tư, phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới. Mỗi huyện cố gắng có ít nhất một xã đạt chuẩn nông thôn mới để làm tiền đề phát động phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Thời gian tới, Điện Biên sẽ phát triển sản phẩm OCOP theo hướng đáp ứng về số lượng, gia tăng về giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn Việt Nam và từng bước chuẩn hoá theo tiêu chuẩn quốc tế. Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất từ 90 đến 100 sản phẩm OCOP đạt 3, 4 sao cấp tỉnh; có 5-7 sản phẩm OCOP tiềm năng đạt 5 sao cấp quốc gia; đảm bảo 100% sản phẩm được truy xuất nguồn gốc.
Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, để đạt các mục tiêu này, tỉnh cần huy động nguồn lực tổng hợp từ ngân sách Nhà nước, nguồn đầu tư từ các thành phần kinh tế và sự ủng hộ của người dân. Thời gian tới, tỉnh tập trung rà soát đánh giá tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới và Đề án mỗi xã một sản phẩm trong 5 năm qua; phát huy hiệu quả sức mạnh cả hệ thống chính trị, từ cấp uỷ, chính quyền địa phương đến các ban, ngành, đoàn thể và người dân. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức người dân nhằm tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; đồng thời, củng cố, nâng cao tiêu chí các xã đạt chuẩn, cơ bản đạt chuẩn, xây dựng thôn bản theo bộ tiêu chí nông thôn mới.
Theo đó, các địa phương, sở, ngành cần sát sao chỉ đạo thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm, tăng cường tổ chức sản xuất để nâng cao sản lượng, ổn định chất lượng sản phẩm OCOP. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tham mưu về định hướng phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn. Liên minh Hợp tác xã xây dựng chương trình cụ thể tư vấn phát triển, hình thành các hợp tác xã phát triển sản phẩm OCOP. Chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan tập trung tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các chủ thể mở rộng diện tích liên kết vùng nguyên liệu; hỗ trợ mở rộng nhà xưởng sản xuất, chế biến và quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại; đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử..., ông Lê Thành Đô nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các chủ thể sản phẩm OCOP cũng cần chủ động xây dựng phát triển vùng nguyên liệu cho sản phẩm đã được chứng nhận thông qua việc liên kết với hộ dân; mở rộng diện tích nhà xưởng sản xuất, chế biến; nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, chế biến sản phẩm đã có để nâng cao giá trị; tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng kênh phân phối; hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.