Diện mạo mới trên vùng căn cứ kháng chiến năm xưa

Vào những ngày cuối tháng 4 này, về xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ tỉnh Long An, ai cũng ngỡ ngàng khi thấy diện mạo nơi đây có nhiều thay đổi. Các công trình dân sinh được đầu tư xây dựng kiên cố, những ngôi nhà, trường học mới khang trang mọc lên minh chứng cho sự thay đổi thịt của vùng quê kháng chiến năm xưa.

Chú thích ảnh
Học sinh và quân dân xã Bình Hòa Nam vệ sinh khuôn viên bia truyền thống lực lượng vũ trang Quân khu 7.

Trong hai cuộc đấu tranh chống Pháp và chống Mỹ, xã Bình Hòa Nam là nơi đóng quân của các cơ quan đầu não Khu 7, Khu 8, Khu 9, căn cứ của Tỉnh ủy Long An. Tại khu vực ấp 1, kênh Lò Đường thuộc xã Bình Hòa Nam, đã từng là nơi chứng kiến tội ác của quân giặc khi sát hại dã man 64 người, trong đó có nhiều trẻ em và phụ nữ mang thai. Biết đây là căn cứ cách mạng, địch đánh phá rất ác liệt, rải chất độc da cam, biến nơi đây thành vùng trắng.

Biến đau thương thành sức mạnh, người dân Bình Hòa Nam cùng cả nước đoàn kết chống lại quân thù, góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hiện nay, trong khuôn viên Nhà Văn hóa xã, tấm bia truyền thống lực lượng vũ trang Quân khu 7 như lời nhắc nhở các thế hệ ghi nhớ công ơn những người ngã xuống vì độc lập dân tộc.

Chú thích ảnh
Học sinh và quân dân xã Bình Hòa Nam thắp hương tương niệm tại Bia truyền thống lực lượng vũ trang Quân khu 7.

Được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1994, xã Bình Hòa Nam có 179 liệt sỹ; thương binh, bệnh binh; 33 Mẹ Việt Nam Anh hùng và 273 gia đình được tặng danh hiệu gia đình có công với nước. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Bình Hòa Nam luôn quan tâm thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa. Trong đó, nổi bật là xây dựng nhà tình nghĩa, tạo điều kiện cho con em gia đình chính sách có việc làm ổn định, thường xuyên thăm hỏi, tổ chức họp mặt gia đình chính sách nhân các dịp lễ, tết. Định kỳ vào các dịp lễ lớn, học sinh các trường Tiểu học và Trung học cơ sở Bình Hòa Nam cùng các đoàn viên, thanh niên xã tổ chức quét dọn, vệ sinh sạch sẽ và thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại các khu tưởng niệm trên địa bàn.

Anh Lý Ngọc Trầm, Bí thư Đoàn thanh niên xã Bình Hòa Nam cho biết, tiếp bước truyền thống các thế hệ cha, ông đi trước, đoàn viên, thanh niên quyết tâm cống hiến sức lực của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, hiện các lực lượng đoàn viên thanh niên xã đang hăng hái thi đua lao động, học tập sáng tạo để xây dựng và củng cố phong trào công tác Đoàn tại địa phương; từ đó, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng thêm vững mạnh.

Bình Hòa Nam là xã thuần nông, người dân sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, người dân tích cực khai hoang, phục hóa ruộng đồng, biến vùng đất chết năm nào nay thành những khu vườn trồng cây ăn trái có màu xanh bát ngát. Toàn xã có trên 2.000 ha chanh chuyên canh và hàng trăm diện tích cây thanh long, đu đủ, ổi, khoai,... không ngừng phát triển, mang lại thu nhập cao cho nông dân. Hiện thu nhập bình quân của xã đạt 50,2 triệu đồng/người năm.

Ông Nguyễn Điền Dư, nông dân ấp 3, xã Bình Hòa Nam, cho biết: Khoảng năm 1990, vùng đất này hầu hết người dân đều trồng lúa. Tuy nhiên năng suất không cao, sau đó nông dân chuyển sang trồng mía. Được vài năm, giá mía lại bấp bênh, nông dân chuyển sang trồng chanh. Từ mô hình trồng chanh cho hiệu quả kinh tế cao này, bà con được tăng thêm thu nhập và ổn định cuộc sống. Riêng bản thân ông Điền Dư canh tác cây chanh trên diện tích 2 ha. Mỗi năm, cây chanh cho năng suất từ 40 - 50 tấn quả. Sau khi trừ chi phí, ông lãi gần 170 triệu đồng.

Chú thích ảnh
Mô hình trồng chanh giúp người dân xã anh hùng Bình Hòa Nam tăng thu nhập.

Là xã vùng sâu nên thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Hòa Nam tập trung đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn. Đến nay, xã đã nâng cấp, mở rộng 33 tuyến đường giao thông liên xóm, ấp với tổng chiều dài hơn 64 km, đáp ứng kịp thời nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Bên cạnh đó, hiện toàn xã có 99,66% số hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh và 75,7% hộ sử dụng nước sạch. Công tác bảo vệ môi trường được xã đặc biệt quan tâm, nhất là việc thu gom, xử lý chất thải theo quy định.

Theo ông Nguyễn Thái Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Nam, để có được diện mạo khởi sắc như hôm nay, Đảng ủy đã đề ra nhiều Nghị quyết về phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn và đều được triển khai đến người dân cùng bàn bạc, thảo luận, để từ đó thống nhất chủ trương, thực hiện; đồng thời, xã đã thực hiện tốt quy chế dân chủ “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát”, công khai minh bạch, các khoản đóng góp của nhân dân.

“Phát huy những thành quả đạt được, trong thời gian tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bình Hòa Nam tiếp tục đầu tư các cơ sở hạ tầng, đầu tư đường giao thông, trường học, trạm y tế, hoàn thiện các tiêu chí về nông thôn mới. Phấn đấu cuối năm 2021, xã được công nhận nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao trong những năm tiếp theo. Ngoài ra, xã Bình Hòa Nam tập trung đầu tư, phát triển vùng nông nghiệp sản xuất chuyên canh, trong đó chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; góp phần nâng cao đời sống, phục vụ nhân dân, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, ông Nguyễn Thái Trung cho biết.

Bài và ảnh: Thanh Bình (TTXVN)
Căn cứ Cái Chanh được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt
Căn cứ Cái Chanh được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt

Ngày 29/4, tại xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bạc Liêu tổ chức Lễ kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021) và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Căn cứ Cái Chanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN