Hai cuộc vận động này chính là tâm điểm tạo ra sức lan tỏa rộng khắp với khí thế thi đua sôi nổi trong đông đảo tầng lớp nhân dân.
Sau 5 năm triển khai lồng ghép và huy động tổng hợp các nguồn lực, toàn huyện đã cứng hóa được trên 220 km đường giao thông, kiên cố trên 32 km kênh mương, 100% thôn, làng có điện lưới quốc gia, 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia cùng nhiều công trình phúc lợi trọng yếu phục vụ dân sinh khác với tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng. Cùng với đó, các mô hình kinh tế bền vững ứng dụng khoa học công nghệ vào nâng cao năng suất, chất lượng tăng thu nhập cho người dân cũng được địa phương đặc biệt chú trọng chuyển dịch đúng hướng.
Theo đó, các xã phía Nam tập trung xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất chuyên canh cây mía trên 10.000 ha gắn liên kết với Nhà máy đường An Khê và Công ty Cổ phần đường Bình Định; các xã phía Bắc tập trung phát triển trên 7.000 ha ngô lai, trên 3.000 ha cà phê, gần 800 ha cao su, gần 500 ha cây ăn quả… xen với các mô hình nuôi cá lồng bè khai thác tiềm năng, lợi thế mặt nước các hồ thủy điện. Nhờ đó, sau 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo của huyện KBang giảm còn 26% (giảm hơn 19% so với năm 2011); thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 20 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 2 lần so với năm 2011.
Trồng ớt là một trong các mô hình thử nghiệm cho thu nhập khá tại huyện KBang (tỉnh Gia Lai). |
Ông Phạm Xuân Trường, Phó Chủ tịch huyện KBang cho biết: “KBang là một trong 5 huyện của cả nước được Trung ương chọn điểm xây dựng NTM, chúng tôi xác định đây là trách nhiệm, là vinh dự, đồng thời cũng là cơ hội để huyện phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Là vùng căn cứ cách mạng, KBang có xuất phát điểm rất thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, do đó mục tiêu xây dựng NTM là hướng đi phù hợp tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân”.
Nhờ sự nhiệt tình ủng hộ của người dân cộng với việc lồng ghép hiệu quả các nguồn lực, đến thời điểm này, huyện đã giảm được tỷ lệ hộ nghèo từ hơn 51% năm 2011 xuống còn hơn 26%, bình quân mỗi năm giảm gần 6%. Theo đó thu nhập đầu người từ gần 11 triệu đồng cuối năm 2010 đến nay đã tăng hơn 20 triệu đồng/người/năm. Hiệu quả của Chương trình xây dựng NTM rất thiết thực, bộ mặt nông thôn ngày một khởi sắc. Huyện KBang phấn đấu sẽ đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016 - 2020.
Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng với sự đồng tình hưởng ứng từ phía người dân là nền tảng cơ bản để KBang vươn lên với 1 xã hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, 9 xã đạt từ 10 - 15 tiêu chí. Ông Bùi Phích, Chủ tịch xã Đăk HLơ cho biết, Đăk HLơ là xã được huyện chọn làm điểm về xây dựng NTM và là địa phương đầu tiên của huyện hoàn thành mục tiêu vào năm 2014. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt, điển hình tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, thu nhập bình quân đầu người từ 17 triệu đồng đến nay đã đạt gần 29 triệu đồng/người/năm. Bộ mặt nông thôn đổi mới, đường liên xã, liên thôn, nội đồng được xây dựng khang trang, nhà cửa gọn gàng, sạch đẹp. Thời gian tới, phát huy nội lực sẵn có, cũng rất mong được nhà nước tiếp tục đầu tư thêm kinh phí để nâng cấp một số tuyến đường nội đồng cho xứng tầm một xã NTM.
Chị Nguyễn Thị Lành ở thôn 5, xã Đăk HLơ phấn khởi cho biết, Chương trình xây dựng NTM mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân, cụ thể đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao góp phần đẩy lùi các hủ tục lạc hậu. Sản xuất nông nghiệp trước kia gặp rất nhiều khó khăn do chi phí vận chuyển cao, từ khi Chương trình xây dựng NTM đầu tư xây dựng đường giao thông, sản xuất nông nghiệp rất thuận lợi đưa kinh tế của bà con đi lên, bà con rất phấn khởi.
Huyện vùng sâu KôngChro là một địa phương khó khăn nhất tỉnh, sản xuất nông nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên. Xác định phát triển hạ tầng cơ sở là khâu đột phá để phát triển kinh tế, xã hội, huyện đã tập trung lồng ghép các nguồn vốn gắn với huy động sức dân vừa với khả năng và đảm bảo hài hòa với lợi ích của từng vùng đất. Chỉ tính riêng trong năm 2015, huyện KôngChro đã đầu tư nâng cấp, tu bổ và xây mới 54 hạng mục công trình; trong đó 28 công trình giao thông, 9 trường học, 3 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường... với tổng vốn đầu tư trên 85 tỷ đồng.
Để rút ngắn khoảng cách giữa vùng thuận lợi và vùng sâu, vùng xa trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thâm canh tăng năng xuất cây trồng, cũng như đưa các loại giống mới vào sản xuất thử nghiệm và nhân lên diện rộng, từ đó hình thành nên các vùng chuyên canh cây trồng bền vững góp phần đảm bảo an ninh lương thực. Trong năm 2015, huyện KôngChro đã triển khai 5 ha mô hình trình diễn cây lúa nước tại xã Yang Nam, 2 ha mô hình trồng ớt tại xã Đăk Kơ Ning, 8 ha mô hình trồng thâm canh cây mỳ tại xã Ia Ma và xã Chư Krey.
Ông Võ Văn Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện KôngChro cho biết, sau 5 năm triển khai xây dựng NTM, đời sống người dân được cải thiện rõ nét, bà con yên tâm lao động xản xuất vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng đến tận các thôn, làng, giao thương hàng hóa thuận lợi đã hình thành nên các vùng chuyên canh lớn cây mía, bắp, mỳ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đời sống nhân dân ngày một ổn định và cải thiện hơn trước, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể từ trên 55% thì nay chỉ còn hơn 24%.
Sau 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, đến thời điểm này, tỉnh Gia Lai đã có 17 xã cán đích chuẩn NTM, hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế… được tập trung xây dựng đồng bộ đáp ứng cơ bản những nhu cầu sinh hoạt thiết yếu cho nhân dân. Toàn tỉnh đã có gần 500 km đường giao thông trục xã được xây dựng, hơn 1.100 km đường giao thông trục thôn và đường nội đồng được cải tạo, nâng cấp; xây mới và nâng cấp 57 công trình thủy lợi, 185 công trình cấp nước sinh hoạt, hơn 300 trường học và điểm trường được đầu tư xây dựng theo chuẩn NTM.
Song song với đó, các mô hình, dự án phát triển kinh tế được hình thành phù hợp với đặc thù từng địa phương. Một số mô hình có sức lan tỏa rộng, mang lại thu nhập cao cho người nông dân như: Mô hình sản xuất cà phê 4C, mô hình nuôi lợn trên nệm lót sinh học, mô hình sản xuất giống lúa năng suất, chất lượng cao OM6976, Hương Cốm, RVT, QR2, lúa lai 3 dòng Bio404... Các loại cây công nghiệp chủ lực như: Mía, mỳ, cà phê, ngô, điều, chè, cà phê, hồ tiêu… phát triển gắn với cơ sở chế biến, tạo sản phẩm chất lượng đủ sức cạnh tranh với thị trường trong nước và thế giới.
Khu vực nông thôn đã có sự hiện diện của nhiều tổ chức sản xuất như tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hình thành chỉnh thể hợp tác liên kết sản xuất kết hợp với hạ tầng cơ sở góp phần thúc đẩy khu khu vực nông thôn phát triền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Những kết quả đạt được sau 5 năm xây dựng NTM đã đưa thu nhập nhập bình quân đầu người của Gia Lai hiện nay đạt 35 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh chỉ còn dưới 12%.
Trên vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió, thiên nhiên, con người lại giao hòa đánh dấu những khởi sắc đáng tự hào trên những vùng NTM ở Gia Lai. Sự thay da, đổi thịt nơi vùng đất khó là động lực thúc đẩy người dân vững tin lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.