Hang Kia- Pà Cò còn tạo nên sự hấp dẫn bởi những bản làng nằm ẩn mình trong thung lũng mờ sương, bốn bề là núi đá bao quanh, quanh năm mát mẻ với khí hậu 4 mùa trong ngày.
Khi đặt chân tới đây, ngắm những bản làng nằm yên bình dưới thung lũng, những nếp nhà đặc trưng của người Mông ẩn mình trong mây mù, xung quanh là những vườn mận, mơ đang nở bung trắng hồng, tạo thành bức tranh phong cảnh hữu tình đẹp như lạc vào miền cổ tích, níu kéo bước chân của những du khách khi tới đây.
Từ Hà Nội đi theo Quốc lộ 6, với quãng đường chừng 170km với hơn 3 giờ đồng hồ, chúng tôi lên vùng đất cửa ngõ Tây Bắc vào một ngày nắng đẹp, khi những bông đào rừng, vườn mơ mận ven đường đã bắt đầu bung nở. Treo mình trên lưng chừng núi, Pà Cò lúc này mang vẻ đẹp huyền ảo, ma mị trong làn sương sớm, sự hoang sơ của vùng đất được bao bọc của núi đã tạo nên những nét chấm phá tuyệt đẹp theo mỗi bước chân du khách khi đặt chân tới bản.
Đến với Pà Cò những ngày cuối năm, khi mùa xuân đã đến bên hiên nhà, những cây mận, đào đã bung nở khoe mình trong nắng mới, cạnh đó là những tất bật của người dân đang làm các công đoạn của quy trình sản xuất dệt vải thổ cẩm. Mặc dù, Tết người Mông (đầu tháng Chạp âm lịch) đã qua 1 tháng, nhưng với những người dân ở Pà Cò họ vẫn có sự chuẩn bị cho Tết chung cổ truyền của cả nước.
Trong nhà đều có sự chuẩn bị về nhu yếu phẩm cho Tết, đặc biệt là bánh dày. Bởi dịp này con cháu đi học, đi làm được nghỉ, thời gian Tết là lúc trẻ con, thanh niên cho tới chị em phụ nữ, người già trong bản tham gia các hoạt động văn hoá thể theo, cùng đốt lửa, múa khèn, giao lưu những điệu nhảy, múa truyền thống của người Mông tạo thành những bản nhạc du dương hấp dẫn giữa bạt ngàn đá núi.
Bản Pà Cò 1, là một trong những bản còn duy trì và phát triển làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Mông. Ở đây có 46 hộ thì có tới 40 hộ sản xuất, nhà nào cũng làm hết các công đoạn. Phụ nữ trong xóm chủ yếu tập trung làm thổ cẩm, phát triển kinh tế hộ gia đình. Sự cởi mở và nhiệt tình của những hộ dân nơi đây khi có khách tới thăm quan đã thực sự tạo ấn tượng tốt cho mỗi du khách.
Tới nhà chị Giàng Thị Hoa, chúng tôi thấy chị đang nấu vải, chị bảo, để có được một thành phẩm là túi, váy hay một món đồ thì phải trải qua rất nhiều công đoạn. Như lúc này đây là một mẻ vải khi ngâm, nhuộm được đun nấu với thời gian nhất định, sau đó được đem ra ngâm, rồi giặt đi, hong phơi ra sao để có được mầu sắc như mình mong muốn.
Tiếp đó, còn vẽ sáp ong trên vải, đây là điểm độc đáo làm nên bản sắc thổ cẩm Pà Cò. “Các sản phẩm dệt thổ cẩm của xóm đều được sản xuất bằng nguyên liệu tự nhiên. Cụ thể là cây lanh chế biến qua các công đoạn thành sợi, sợi dệt thành vải, đem nhuộm với chàm và vẽ sáp ong để cho ra nhiều loại sản phẩm đặc sắc của dân tộc.
Trong những năm gần đây, với 20 khung cửi hoạt động thường xuyên, các sản phẩm đều được dệt bằng sợi lanh, hoa văn thêu may với họa tiết và nhiều hình ảnh đặc sắc mang tính đặc trưng của đồng bào dân tộc. Chủ yếu sản phẩm làng nghề là váy, quần, áo Mông, trang phục mặc thường ngày và dùng trong lễ hội, ngày Tết, lễ cưới của phụ nữ, đàn ông. "Đến nay, sản phẩm được nhiều du khách ưa thích, sức tiêu thụ cũng tăng lên đây chính là sự khích lệ, động viên rất lớn đối với bà con làng nghề”, chị Giàng Thị Hoa cho biết.
Khi thấy du khách tò mò về vẽ sáp ong trên vải, chị Sùng Y Thanh đã dừng tay và cho du khách trải nghiệm luôn. Nụ cười ấm áp, cởi mở của người phụ nữ H' Mông đã giúp cho du khách được trải nghiệm một cách thích thú, tạo dấu ấn đẹp khi tới vùng đất này.
Chị Sùng Y Thanh cho biết, điểm độc đáo nhất, làm nên bản sắc thổ cẩm Pà Cò chính là nghệ thuật vẽ sáp ong. Và chính nét độc đáo trên thổ cẩm Pà Cò giúp sản phẩm nơi đây có được giá trị cao.
Để tạo ra sản phẩm, người phụ nữ H’Mông xanh dùng “đá tràng tà” (bút làm từ cán gỗ có gắn lá đồng nhỏ) chấm vào sáp ong và vẽ hoa văn mô phỏng hình mặt trời, mâm cơm gia đình… lên tấm vải. Quy trình vẽ sáp ong nghe tưởng chừng đơn giản nhưng để làm được một tấm váy, vỏ gối hay chiếc địu hoàn chỉnh, người phụ nữ H’Mông xanh phải mất rất nhiều thời gian, công sức. Khi vẽ, sáp ong phải có độ nóng vừa phải. Nếu nóng quá, sáp bị thấm xuống mặt dưới của tấm vải, khi nhuộm sẽ không giữ được màu và làm mất hoạ tiết, chị Sùng Y Thanh nói.
Chị Vũ Thị Hương (Hà Nội) cho biết, lần đầu tiên tới Pà Cò, đến với làng nghề dệt thổ cẩm của người Mông nơi đây, lại được trải nghiệm các công đoạn sản xuất vải và thành phẩm thật là tuyệt. Với mỗi du khách, được sống trong làng nghề, nghe hơi thở và những mong ước của người dân gửi gắm vào sản phẩm của mình, mang nó đi xa là một hạnh phúc.
Trải nghiệm làm ra sản phẩm, được vẽ những hoa văn bằng sáp ong và mua các sản phẩm ấy với giá bán đầy bất ngờ chỉ từ 50.000 đồng cho tới 100.000 đồng du khách có thể mua được 1 sản phẩm. Khoe chiếc túi mới mua với giá 100.000 đồng với chúng tôi, chị Hương cho biết, sản phẩm thật tuyệt, đây chính là điểm hấp dẫn của Pà Cò.
Chị Sùng Y Nhừ, bản Pà Cò 1 cho biết, cả nhà chị hiện giờ làm thổ cẩm, từ nguồn vốn vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách Xã hội, gia đình đã mở rộng sản xuất, nâng cao sản lượng, mang lại thu nhập nhiều hơn. Du khách đến với bản cũng ngày một tăng, sản phẩm của bản làm ra được du khách yêu thích và mua nhiều. Bên cạnh đó, trong tổ làng nghề còn mang sản phẩm đi giới thiệu và bán ra ngoài thị trường. Đến nay, thổ cẩm đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân trong bản, đời sống của người dân từng bước được nâng lên, trẻ em không bị đói và được đi học đầy đủ.
Anh Hàng A Chư, Phó trưởng thôn, kiêm Công an viên bản Pà Cò 1 cho biết, các sản phẩm của nghề dệt, thêu vẽ thổ cẩm đang mang lại thu nhập đáng kể cho người dân, không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng, đáp ứng nhu cầu thăm quan, tìm hiểu của khách du lịch, thu hút khách tới bản mà còn làm nên diện mạo mới cho xóm. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi khai thác các tiềm năng sẵn có phát triển kinh tế thông qua hoạt động du lịch của địa phương.
Hiện nay, để phát triển bền vững làng nghề truyền thống, các thợ giỏi, nghệ nhân trong làng đã và đang tiếp tục tìm hiểu, sáng tạo và cải tiến các mẫu hoa văn mang đặc trưng truyền thống của dân tộc mình cho các trang phục, đồ dùng phù hợp với tập quán văn hóa, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng bằng nguyên liệu thiên nhiên như sợi lanh.