Giúp người dân ổn định sau tái định cư thủy điện

Những ngôi nhà xây bị nứt tường, không gian nhà ở chật chội, hệ thống cấp nước sinh hoạt gần như không hoạt động, thiếu đất sản xuất…

Là những vấn đề mà 46 hộ dân trong khu tái định cư của Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 ở thôn 2, xã Phước Hòa, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) đang phải đối mặt.  Qua 7 năm di dời về nơi ở mới để nhường đất làm nhà máy thủy điện Đăk Mi 4, cuộc sống của người dân tái định cư nơi đây dường như khó khăn hơn nhiều so với nơi ở cũ. 

Thủy điện Đăk Mi 4, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) xả lũ chiều 2/11/2016.


Cuộc sống khó khăn

Khu tái định cư nằm trên lưng chừng một quả đồi ở thôn 2. Những ngôi nhà của người dân ở đây được thiết kế cùng theo một mẫu, nằm kề nhau như những “phòng trọ”. Ngôi nhà cấp bốn lợp mái tôn của anh Hồ Văn Chước có diện tích rộng gần 100 m2 nhưng là nơi ở của cả 3 gia đình. Anh Hồ Văn Chước cho biết, người dân vào ở trong những ngôi nhà tái định cư từ tháng 9/2010. Thời điểm được cấp nhà, anh Chước và người em gái còn sống chung với bố mẹ. Năm 2015 cả hai anh em đều lập gia đình nhưng không có tiền làm nhà nên sống luôn cùng nhà với bố mẹ, mặc dù rất chật chội. Bản thân anh Chước cùng với vợ và một đứa con hơn một tuổi phải sống ở gian bếp. 

Theo người dân ở khu tái định cư, những ngôi nhà tại đây được đầu tư xây dựng 70 triệu đồng/nhà, gồm 3 phòng ở, tiếp đến là khu nhà bếp và nhà vệ sinh. Do mái nhà lợp bằng mái tôn không có tấm cách nhiệt nên vào mùa hè rất nóng nực, buổi trưa người dân không ở lại được trong nhà. Hiện nay, hầu hết những ngôi nhà của người dân tại đây đang xuống cấp, các vết nứt lớn đã bắt đầu xuất hiện trên các bức tường rất nguy hiểm trong mùa mưa bão. Những chiếc cánh cửa gỗ có tấm kính đều bị vỡ, khung cửa bị hư hỏng.

Từ đầu tháng 9 đến nay, các hộ dân trong khu tái định cư phải rất chật vật hàng ngày lo đi “cõng” nước trên suối về sinh hoạt vì đường ống dẫn nước ngầm do nhà máy thủy điện làm để đưa nước suối về bể chứa ở khu tái định cư bị hư hỏng. Anh Trần Minh Chung, một hộ dân trong khu tái định cư cho biết: Nhà ở xuống cấp, vấn đề thiếu nước… là những khó khăn có thể khắc phục được, nhưng điều mà bà con ở đây lo lắng nhất là các điều kiện để người dân phát triển trong tương lai gần như không có. Cuộc sống về nơi ở mới thật sự khó khăn hơn trước rất nhiều. Thiếu việc làm ổn định nên thời gian rảnh, nam giới ở đây cũng chỉ biết uống rượu vì vậy cái nghèo cứ đeo bám miết người dân. 

Tìm giải pháp giúp người dân 

Ông Hồ Văn Thành, Trưởng thôn 2, xã Phước Hòa cho biết: Thôn 2 có 147 hộ dân với 672 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Gié - Triêng sinh sống quanh lòng hồ thủy điện Đăk Mi 4, trong đó có 46 hộ nằm trong khu vực tái định cư. Cuộc sống của người dân vùng tái định cư hiện rất khó khăn, nguyên nhân chủ yếu do thiếu đất sản xuất. Đất lâm nghiệp của xã Phước Hòa chủ yếu là diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn nên không thể mở rộng diện tích đất canh tác để cấp cho bà con. Các hộ dân hiện nay chủ yếu đi làm thuê, thu nhập bấp bênh vì vậy không có tiền để làm nhà mới hay sửa chữa nhà bị hư hỏng.  

Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, Nguyễn Quảng cho biết, huyện đã lập đoàn công tác xuống kiểm tra thực tế đời sống của bà con vùng tái định cư ở thôn 2 và ghi nhận những khó khăn của người dân nơi đây, nhất là tình trạng xuống cấp nhanh chóng của các ngôi nhà. Lãnh đạo huyện đang làm việc trực tiếp với Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 để thỏa thuận tìm giải pháp sửa chữa lại nhà cửa cho người dân yên tâm sớm ổn định cuộc sống.

Được biết, phía Công ty cổ phần Thủy điện Đăk Mi, đơn vị chủ quản Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 đã khảo sát, lên dự toán kinh phí để sửa chữa nhà cho người dân ở khu tái định cư thuộc thôn 2 và nhất trí để xã Phước Hòa đứng ra làm chủ đầu tư thi công. Tuy nhiên, vấn đề tạo phương tiện sinh kế bền vững cho người dân vẫn đang là bài toán khó của địa phương. Hiện nay, thôn 2, xã Phước Hòa có thêm 19 hộ dân đang nằm trong diện di dời đến nơi ở mới do bị ảnh hưởng bởi nước từ lòng hồ thủy điện Đăk Mi 4 dâng mỗi khi có mưa lớn. Trước thực tế đời sống khó khăn của các hộ dân tái định cư đi trước, 19 hộ dân này cũng rất lo lắng, không muốn chuyển đi nơi khác.

Bài và ảnh: Đỗ Trưởng
Dân tái định cư Tây Bắc vẫn thiếu ruộng
Dân tái định cư Tây Bắc vẫn thiếu ruộng

Có một thực tế đang diễn ra ở vùng Tây Bắc: Tại nơi ở cũ, đồng bào dân tộc thiểu số không lo thiếu đói vì ruộng nương nhiều, sống cạnh sông suối nên thuận lợi để phát triển trồng trọt và chăn nuôi. Trong khi tái định cư thủy điện, lên vùng đất mới, thiếu đất sản xuất nên bà con khó khăn về lương thực, đối mặt với đói nghèo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN