Gỡ 'điểm nghẽn' để phát triển nhanh, bền vững Đồng bằng sông Cửu Long

Đánh giá các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực, đề xuất phương pháp tính toán và xây dựng nguồn lực khả thi cho Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới; xác định lĩnh vực, chương trình, dự án ưu tiên tập trung bố trí hỗ trợ đầu tư...

Đây là những vấn đề hết sức quan trọng, cấp thiết, góp phần tháo gỡ các "điểm nghẽn" để Đồng bằng sông Cửu Long có thể phát triển nhanh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chú thích ảnh
Thu hoạch lúa trên cánh đồng lớn thuộc vùng Đồng Tháp Mười (Long An). Ảnh: Trường Giang/TTXVN

Bố trí nguồn lực, thu hút vốn FDI

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư công trong kế hoạch trung hạn vào Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020 (chưa bao gồm 10% dự phòng) là gần 194.000 tỷ đồng, chiếm 16,53% so với cả nước.

Nguồn vốn này được đầu tư theo một số lĩnh vực cụ thể như: lĩnh vực nông nghiệp, bố trí vốn kế hoạch đầu tư giai đoạn 2016-2020 đạt hơn 28.000 tỷ đồng; lĩnh vực giao thông là gần 33.000 tỷ đồng; lĩnh vực y tế đạt 947,5 tỷ đồng và các địa phương trong vùng đều đã được đầu tư bệnh viện đa khoa tỉnh với trang thiết bị khá hiện đại, đồng bộ…

Nhằm đẩy mạnh phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang rà soát, tổng hợp để báo cáo Chính phủ cân đối nguồn lực, trình cơ quan có thẩm quyền ưu tiên bố trí vốn cho các dự án cấp bách của vùng trong lĩnh vực giao thông, biến đổi khí hậu từ nguồn dự phòng kế hoạch trung hạn 2016-2020. Bộ cũng đang tiếp tục làm việc với các đối tác phát triển, các nhà tài trợ để đề xuất một số dự án mới triển khai trong giai đoạn 2021-2025 cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tính lũy kế đến ngày 20/5/2019, trên địa bàn các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 1.589 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký  là 22,3 tỷ USD, chiếm 6,4 % tổng vốn đăng ký đầu tư của cả nước và xếp thứ 4 trong 6 vùng của cả nước.

Từ khi triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, trong năm 2018, đầu tư nước ngoài vào vùng đạt 2,59 tỷ USD, chiếm trên 7,1 % tổng vốn đầu tư cả nước, bằng 95,2% so với năm 2017 và tăng 10,7% so với năm 2016.

Riêng trong 5 tháng đầu năm 2019, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hút được dự án cấp mới, 36 dự án còn hiệu lực điều chỉnh vốn và 106 lượt dự án góp vấn, mua cổ phần; thu hút được 1,04 tỷ USD, chiếm trên 6,2 tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước và tăng 30,9% so với cùng kỳ năm 2018...

Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay vẫn chưa có nguồn vốn bố trí riêng cho các nhiệm vụ liên kết vùng. Các quy định hiện hành chưa có quy định ưu tiên xây dựng  một cơ chế tài chính riêng cho hoạt động liên kết tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, một số ngành, lĩnh vực của từng địa phương còn phát triển theo hướng riêng lẻ, thiếu sự liên kết chặt chẽ, thống nhất trong toàn vùng. Việc triển khai các cơ chế, chính sách đầu tư chưa đạt hiệu quả như mong muốn, vẫn còn bất cập, ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách cũng như  quy hoạch phát triển của vùng.

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư

Tại hội nghị đánh giá 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất phân bổ 45.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 2 tỷ USD) cho khu vực này trong 5 năm tới. Điều này nhằm đẩy nhanh các dự án cấp bách; trong đó, một nửa lấy từ ngân sách, còn lại huy động từ những nguồn lực khác.

Chấp thuận với đề xuất này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao các bộ, ngành và tỉnh, thành nghiên cứu cơ chế huy động vốn, thúc đẩy sự phát triển thị trường tài chính, tạo lập các nguồn vốn đầu tư phát triển Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Đồng bằng sông Cửu Long hiện vẫn là vùng trũng về cơ sở hạ tầng, nhất là cảng nước sâu, hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ…Vì vậy, đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho vùng này sẽ là nòng cốt để từ đó lan tỏa sang các lĩnh vực khác.

Còn ông Lê Quang Mạnh, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho rằng, Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư quốc tế. Việc quy hoạch, liên kết vùng bài bản, hiệu quả là một yếu tố để thúc đẩy các nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là các nguồn vốn không hoàn lại cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam bày tỏ, quy hoạch, điều phối và tài chính là những vấn đề quan trọng đối với Đồng bằng sông Cửu Long. Liên quan đến quy hoạch vùng và huy động nguồn lực, cần có cơ chế tổ chức hiệu quả hơn để điều phối vùng, nhằm đảm bảo xây dựng và thực hiện quy hoạch có hiệu quả.

Sự phối hợp chặt chẽ hơn trong vùng sẽ giúp phản ánh các ưu tiên chung của  các tỉnh và thành phố tại Đồng bằng sông Cửu Long vào bản Quy hoạch. Ngoài ra, cơ cấu thể chế cũng cần đảm bảo giám sát quá trình thực hiện Quy hoạch vùng và có thẩm quyền huy động vốn để thực hiện các dự án đầu tư ưu tiên trong vùng.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, để huy động nguồn lực và thu hút đầu tư vào Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới, Bộ tiếp tục  rà soát, tổng hợp danh mục các chương trình, dự án liên kết của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trên cơ sở đảm bảo sự phù hợp với Quy hoạch vùng giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn năm 2050; đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn khi có chủ trương của cơ quan có thẩm quyền.

Bộ cũng đề xuất xây dựng cơ chế tài chính riêng cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2025; hỗ trợ đầu tư vào các hoạt động liên kết vùng như nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi… trong lĩnh vực giao thông, nông nghiệp, thủy lợi, tài nguyên nước; hỗ trợ các hoạt động nhiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách và điều phối vùng.

Cùng đó, tiếp cận các quỹ quốc tế như: quỹ Khí hậu xanh, Quỹ Môi trường toàn cầu, nguồn vốn Tín dụng xanh… để bổ sung thêm lượng vốn khác bên cạnh các nguồn vốn từ Ngân sách Nhà nước để thúc đẩy sự đầu tư phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản pháp quy về đầu tư và doanh nghiệp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Sớm hoàn thành các cơ chế, giải pháp khuyến khích sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là đầu tư vào các lĩnh vực liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu.

Thanh Trà (TTXVN)
Đề án chống biến đổi khí hậu táo bạo nhất thế giới
Đề án chống biến đổi khí hậu táo bạo nhất thế giới

Theo phóng viên TTXVN tại New York, ngày 19/6, các nghị sĩ bang này đã thông qua một trong những luật chống biến đổi khí hậu tham vọng nhất thế giới với mục tiêu loại bỏ hoàn toàn khí thải nhà kính vào năm 2050.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN