Đồng bào dân tộc Dao, Mường ở Phú Thọ đã sẵn sàng đi bầu cử với niềm tin sẽ lựa chọn những người đủ đức, đủ tài, xứng đáng là đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.
Men theo con đường nhựa, uốn lượn theo những sườn đồi xanh ngát của núi rừng với những khúc cua tay áo, chúng tôi đến khu dân cư Chen, Chự, Hồ - 3 khu dân cư vùng cao của xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn.
Trong không khí nhộn nhịp chuẩn bị cho ngày bầu cử, anh Đặng Văn Nguyên, Trưởng khu Hồ bộc bạch, khu Hồ hiện có 101 cử tri với 156 nhân khẩu, thuộc tổ bầu cử số 8, đơn vị bầu cử số 7 của huyện Thanh Sơn. Công tác tuyên truyền về bầu cử được tăng cường với hệ thống phát thanh và xe tuyên truyền của xã nên cử tri đều hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình. Anh Nguyên và bà con khu Hồ mong muốn các đại biểu khi trúng cử sẽ nâng cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri, lắng nghe và ghi nhận ý kiến cử tri, truyền đạt trung thực ý kiến cử tri đến các cấp có thẩm quyền.
Cử tri Lê Văn Ky, khu dân cư Chự phấn khởi chia sẻ, có cán bộ xã đến tận nhà tuyên truyền nên các thành viên trong gia đình đã hiểu rõ hơn về trách nhiệm, quyền lợi khi tham gia bầu cử. Thông qua các buổi lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu HĐND các cấp, mọi người trong khu cùng bàn luận, mong muốn những đại biểu trúng cử sẽ có nhiều đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương, của đất nước.
Xã Yên Sơn, huyện miền núi Thanh Sơn cách trung tâm thành phố Việt Trì khoảng 100km. Đây là một trong những xã khó khăn nhất, nhì của huyện, đồng bào người Dao chiếm tới 70%, còn lại là đồng bào Mường, số ít là dân tộc Kinh. Với điều kiện đặc thù địa bàn rộng, cư dân sinh sống không tập trung, để tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, xã Yên Sơn đã sử dụng linh hoạt nhiều hình thức tuyên truyền như treo băng rôn, pa-no dọc tuyến đường liên xã và liên thôn; mỗi ngày 4 lần đọc các bản tin nội dung liên quan đến công tác bầu cử trên hệ thống truyền thanh. Các cán bộ văn hóa xã còn phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền lưu động đến tận các khu dân cư để người dân hiểu rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của cuộc bầu cử.
Ông Nguyễn Văn Hanh, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Sơn cho biết, Ban chỉ đạo, Ủy ban bầu cử xã chú trọng triển khai các văn bản chỉ đạo của các cấp về công tác chuẩn bị bầu cử cũng như tích cực thực hiện các bước chuẩn bị theo hướng dẫn. Trên địa bàn xã có 8 khu vực bỏ phiếu với gần 5.300 cử tri. Đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị bầu cử của xã Yên Sơn đã hoàn tất.
Chia tay khu Chen, Chự, Hồ, men theo sườn đồi dốc với độ cao trên 200m, chúng tôi đến xã Yên Lãng, huyện Thanh Sơn. Xã có 80% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Ông Đinh Ngọc Thể, khu dân cư Đành chia sẻ, ông thường xuyên cùng bà con đến điểm bỏ phiếu để xem thông tin về các ứng cử viên. Ông Thể mong muốn những đại biểu được bầu sẽ là người đại diện những tâm tư nguyện vọng của bà con.
Ông Đinh Văn Tình, Bí thư Đảng ủy Yên Lãng cho biết Ủy ban bầu cử xã đã xây dựng các văn bản theo đúng Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, đảm bảo đúng quy trình, tiến độ theo kế hoạch đề ra. Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị nhân sự và tuyên truyền, việc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với các ứng cử viên được nhân dân tán thành cao. Ngoài hòm phiếu cố định, Ủy ban bầu cử xã đã chuẩn bị 7 hòm phiếu lưu động đề phòng các trường hợp người già yếu, bệnh tật không di chuyển được, có lũ bão xảy ra hoặc những cử tri thực hiện cách ly do dịch COVID-19.
Đến thời điểm này, huyện Thanh Sơn có 96.485 cử tri, trong đó có gần 70% là đồng bào dân tộc thiêu số. Ông Phạm Tú - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn cho hay, để cuộc bầu cử thành công, huyện Thanh Sơn chỉ đạo các cấp, các ngành nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của cuộc bầu cử, chú trọng xây dựng các phương án bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng phương án phòng, chống dịch COVID-19, phương án phòng, chống thiên tai, mưa bão có thể xảy ra…