Điều đáng nói, Công ty TNHH Phát triển thương mại và dịch vụ Việt Hàn – đơn vị tổ chức chương trình "mua hàng, hoàn tiền" không hề thông qua Sở Công Thương tỉnh Kon Tum khi vào tỉnh thực hiện hoạt động thương mại nhưng vẫn nhận được sự đồng ý của chính quyền cấp xã, cho thấy sự tinh vi trong quá trình lừa đảo của đơn vị này.
Chiêu trò lừa đảo
Ngày 25/10, Công ty TNHH Phát triển thương mại và dịch vụ Việt Hàn tổ chức chương trình "Quà tặng người nội trợ" tại xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum, thu hút hàng trăm người dân đến tham gia. Theo lời người dân đến tham dự chương trình, mỗi người sẽ được tặng 2 lít dầu ăn vào buổi sáng và được hứa hẹn sẽ tặng 2 lít dầu ăn vào buổi chiều. Cùng với chiêu trò mời một số người dân mua hàng, trả tiền rồi được hoàn lại tiền, công ty này đã nhanh chóng chiếm được lòng tin của người dân.
Ông Đ.M.P (thôn 3, xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum) cho biết, sau khi thấy một số người dân tham dự được tặng quà và hoàn lại tiền sau khi mua hàng, ông đã mua 2 nồi áp suất, 2 chảo chống dính với tổng giá trị 10,5 triệu đồng. Ông được chương trình tặng 2 chảo điện đa năng với giá theo thông báo là 8 triệu đồng.
"Lúc mua hàng và được tặng quà, tôi cùng nhiều người dân rất phấn khởi. Nhưng đến khi về nhà, tìm hiểu giá các sản phẩm trên mạng internet mới biết các sản phẩm đấy chỉ có giá vài trăm nghìn đồng chứ không phải tiền triệu như các đối tượng trong chương trình đã bán", ông P nói.
Tương tự, bà T.T.N (thôn 8, xã Đăk Cấm) cũng bỏ ra hơn 8,5 triệu đồng để mua một chiếc nồi áp suất. Thấy được tặng quà và hoàn tiền, bà đã đặt mua 2 nồi, cùng một chảo chống dính. Nhưng phía Công ty TNHH Phát triển thương mại và dịch vụ Việt Hàn cho biết đã hết hàng và đề nghị bà chờ. Tuy nhiên, một lúc sau, khi thấy phía công ty không còn ai thì bà và nhiều người dân mới biết mình đã bị lừa.
Theo thống kê của Công an thành phố Kon Tum, qua rà soát, xác minh, lực lượng chức năng xác định Công ty TNHH Phát triển thương mại và dịch vụ Việt Hàn đã tổ chức chương trình "Quà tặng người nội trợ" tại địa bàn xã Đăk Cấm và các phường Lê Lợi, Quang Trung, Thắng Lợi với hơn 60 người tham gia mua hàng, tổng số tiền hơn 350 triệu đồng.
"Chúng tôi cũng đang tiến hành rà soát thêm và để lấy danh sách cụ thể, xem tổng số những người dân đã đến mua hàng của Công ty Việt Hàn là bao nhiêu và sẽ có cái báo cáo cụ thể. Khó khăn bây giờ, đây là thỏa thuận mua bán giữa hai bên, nên xét ở cơ sở pháp lý, rất khó cho cơ quan chức năng để xác định tính chất phạm tội trong vụ việc này", Thiếu tá Trần Trung Thành, Phó trưởng Công an xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum, cho biết.
Người dân cần cảnh giác
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum cho biết, trước đây, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện trường hợp một số doanh nghiệp tổ chức chương trình giới thiệu sản phẩm, mua hàng hoàn tiền để bán các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm chưa được kiểm chứng với giá đắt hơn nhiều lần giá trị thực của sản phẩm gây bức xúc trong nhân dân.
Sau một thời gian im ắng, thời gian gần đây, các nhóm lừa đảo với chiêu trò "mua hàng được trả lại tiền" tiếp tục xuất hiện ở một số địa phương của tỉnh Kon Tum. Dù chiêu trò không mới nhưng nhiều phụ nữ, người cao tuổi vì nhẹ dạ cả tin đã trở thành nạn nhân của các đối tượng trên.
"Các doanh nghiệp này thường gửi đơn đăng ký tổ chức thực hiện các chương trình về Sở Công Thương. Tuy nhiên, nội dung này không có trong quy định nên Sở đều không có văn bản xác nhận. Sở đã nhiều lần đề nghị các đơn vị các địa phương, cơ quan thông tấn báo chí phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân cảnh giác với các hoạt động bán hàng nêu trên. Thời gian gần đây, Sở không nhận được bất kỳ thông tin nào từ phía Công ty TNHH Phát triển thương mại và dịch vụ Việt Hàn hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh", ông Nguyễn Thanh Hùng cho biết.
Trên thực tế, việc Công ty TNHH Phát triển thương mại và dịch vụ Việt Hàn hoạt động thương mại không thông qua Sở Công Thương nhưng vẫn được tổ chức các chương trình tại địa bàn xã. Bởi công ty này đã lợi dụng khoản 2, Điều 12, Nghị định số 81/2018/NĐ-CP của Chính phủ "Quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại". Trong đó nêu rõ, "chương trình khuyến mại có tổng giá trị giải thưởng dưới 100 triệu đồng thì thương nhân không phải thông báo cho Sở Công Thương theo quy định tại Khoản này".
"Sau khi nhận được giấy giới thiệu cũng như là thông báo bán hàng của công ty này, thì bản thân tôi cũng trực tiếp trao đổi với Phòng kinh tế và được hướng dẫn thực hiện theo quy định tại Nghị định 81/2018/NĐ-CP là chương trình khuyến mại dưới 100 triệu thì không phải làm các thủ tục hành chính. Sau khi xong chương trình, phường mới nhận được thông tin từ người dân và phối hợp với lực lượng chức năng triển khai, xử lý", ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum cho biết.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác với chiêu trò "mua hàng được hoàn lại tiền", mua hàng giá rẻ; hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Khi có nhu cầu mua sắm, người dân nên tìm hiểu mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng, hệ thống phân phối lớn, có uy tín, được cấp phép để hạn chế rủi ro. Đồng thời, người dân nên thỏa thuận chỉ thanh toán sau khi đã được nhận và kiểm tra chất lượng hàng hóa để tránh rủi ro bị lừa mất tiền đặt cọc.
Đáng báo động hơn, Kon Tum là một tỉnh miền núi, tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, nhận thức còn hạn chế, nên nhân dân rất dễ trở thành "con mồi" cho các nhóm đối tượng, các công ty thực hiện chiêu trò "mua hàng hoàn tiền". Vì vậy, Sở Công Thương sẽ tiếp tục có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân, nhất là nhân dân ở các xã vùng sâu, vùng xa về các hành vi, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng để người dân nâng cao cảnh giác, tránh tình trạng mất tiền oan.