Xã Đăk Djrăng (huyện Mang Yang) là một trong những địa phương tiên phong trong việc xóa bỏ hủ tục tảo hôn. Từ năm 2018 đến nay, xã không có trường hợp nào liên quan đến vấn nạn tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này nhờ vào sự chung tay hỗ trợ của cả hệ thống chính trị, gắn với công tác tuyên truyền là giải pháp chủ yếu.
Ông Vốt, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Brếp (xã Đăk Djrăng) cho biết, thôn đã vận động tất cả hộ dân ký cam kết nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; đồng thời, tuyên truyền đến người dân, nhất là thanh niên không lấy vợ, lấy chồng sớm. Hầu hết các gia đình đều mang giấy cam kết về dán tại nhà để con cháu làm theo.
Cùng với việc xây dựng hương ước, quy ước nghiêm cấm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, chính quyền, các cấp Hội, đoàn thể xã Đăk Djrăng còn tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về nội dung này trong vùng đồng bào thiểu số bằng nhiều hình thức trực quan sinh động, gần gũi với đời sống của người dân. Nhờ đó, nhận thức của người dân đã thay đổi căn bản trong việc học tập, làm việc và lập gia đình đúng tuổi. Điển hình như chị Đinh H’Nơnh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đăk Djrăng đã từ bỏ nếp nghĩ cũ, theo đuổi con đường học vấn, có công việc ổn định và có gia đình hạnh phúc. Chị H’Nơnh cho biết, từ thực tế tại buôn làng, chị đã cùng các cán bộ thôn kêu gọi các bạn trẻ cố gắng học tập, không nên lấy vợ, lấy chồng sớm, tránh xa nạn tảo hôn.
Mặc dù các địa phương đã nỗ lực vào cuộc, song tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn diễn ra. Theo thống kê, từ đầu năm 2021 đến hết tháng 5/2023, toàn tỉnh có 2.224 cặp tảo hôn; trong đó có đến 2.185 cặp là người dân tộc thiểu số (chiếm trên 98%). Bằng nhiều giải pháp quyết liệt, tỉnh Gia Lai quan tâm giải quyết vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Trong đó, giải pháp trọng tâm là tập trung xây dựng và duy trì các mô hình, câu lạc bộ, góc tư vấn về giáo dục tiền hôn nhân, đời sống gia đình, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Thành phố Pleiku, huyện Ia Grai, Đăk Đoa, Kbang và Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh là những đơn vị tiêu biểu trong việc duy trì các mô hình này. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số.
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ia Grai và Ia Pa đã xây dựng, duy trì các câu lạc bộ như: Phụ nữ phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... tại 15 xã với khoảng 900 thành viên tham gia. Việc xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình được các địa phương được thực hiện nghiêm theo quy định.
Theo ông Trường Trung Tuyến, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai, trong 3 năm qua, Ban đã mở 80 lớp tập huấn về công tác ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho gần 15.000 lượt người; phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng các kế hoạch tuyên truyền cụ thể, dễ hiểu bằng nhiều hình thức, sinh động và đa dạng. Để làm thay đổi suy nghĩ, hành vi của người dân về tình trạng tảo hôn đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng; đồng thời, tăng cường tuyên truyền, rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh vi phạm.
“Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tham mưu với các cấp tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, người có uy tín trong cộng đồng tham gia tuyên truyền, vận động, giúp đỡ người dân khi cần thiết; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình; đề xuất các chính sách, biện pháp hỗ trợ, khuyến khích thanh niên dân tộc thiểu số học tập, làm việc, lập gia đình đúng tuổi, đúng pháp luật. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo sự phát triển bền vững” - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai thông tin thêm.