Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều nơi đường sá đi lại hết sức khó khăn, đang cần một nguồn vốn lớn để đầu tư, nâng cấp mạng lưới giao thông nông thôn hiện đại hơn.
Khổ vì đường xấu
Tuyến đường Láng Trâm - Gành Hòa nối từ thị trấn Gành Hòa, huyện Đông Hải với thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu là tuyến huyết mạnh vận chuyển thủy, hải sản từ cảng Gành Hòa đi tiêu thụ, nhưng đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Có đến 2/3 chiều dài tuyến này (khoảng 20 km) mặt đường nhỏ hẹp, hai xe tải tránh nhau còn khó, bị bong tróc bề mặt. Nhiều ổ gà sâu, khi gặp trời mưa đọng nước nên người, xe qua lại rất khó khăn.
Nhiều tuyến đường liên ấp ở Bạc Liêu được bê tông hóa, giúp việc đi lại của người dân thuận lợi hơn. Ảnh chụp ở xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân. |
Ông Liên Đức Lợi, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Đức Tín, chuyên thu mua và xuất khẩu hải sản ở cảng Gành Hòa chia sẻ, giao thông từ Quốc lộ 1A về cảng cá Gành Hòa dài hơn 30 km, nhưng do đường xấu, nên việc vận chuyển hải sản đi TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ mất rất nhiều thời gian, chi phí đội lên. Trục đường liên ấp nối từ trung tâm thị trấn Gành Hòa ra cảng cá Gành Hòa chỉ khoảng 4 km, nhưng do xe chở nặng đã khiến đường xuống cấp nghiêm trọng. Năm nào doanh nghiệp của ông cũng đóng góp tiền để huyện duy tu, bảo dưỡng, nhưng do nền đất yếu cộng thêm xe cộ qua lại nhiều, chở nặng nên xuống cấp rất nhanh.
Ông Lợi cho biết thêm, mỗi tháng doanh nghiệp của ông xuất bán trên 1.000 tấn hải sản, nên việc lưu thông qua con đường xấu như thế đã làm đội chi phí xăng dầu cho doanh nghiệp hàng chục triệu đồng.
Cà Mau là tỉnh có mạng lưới sông ngòi dày đặc, nhiều nơi còn chưa có đường giao thông nông thôn liên xã, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn. Ngọc Hiển là huyện nằm ven biển, nơi có các cửa sông lớn, nên giao thông liên xã, liên huyện còn nhiều hạn chế. Có nhiều nơi chưa có đường ô tô tới được trung tâm xã. Tuyến đường Sông Đốc - Tắc Thủ nối thành phố Cà Mau đi cảng Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời dài khoảng 35 km, là tuyến liên huyện trọng yếu của tỉnh Cà Mau đi cảng nghề cá lớn nhất tỉnh cũng rất nhỏ hẹp, xuống cấp khiến xe cộ qua lại khó khăn. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh hải sản ở Cà Mau kêu ca về tuyến đường huyết mạch này và mong muốn tỉnh sớm có kế hoạch nâng cấp, mở rộng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương.
Linh hoạt sử dụng các nguồn vốn
Để xây dựng được giao thông nông thôn phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội nhiều tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long cũng đã có cách làm sáng tạo để thoát cảnh giao thông cách trở. Bến Tre là một điển hình đáng học hỏi kinh nghiệm cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Hơn 10 năm trước, Bến Tre là tỉnh gặp rất nhiều khó khăn về giao thông nông thôn, đặc biệt là mạng lưới "cầu khỉ" dày đặc đã cản trở sự giao thương trong tỉnh với bên ngoài.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Trịnh Văn Y, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật cầu đường tỉnh Bến Tre cho biết, để huy động được một nguồn vốn lớn làm đường nông thôn, làm cầu bê tông là không thể, nhưng Hội đã có cách làm riêng để tiến tới xóa "cầu khỉ" ở Bến Tre. Hàng năm Hội xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể rồi triển khai đến các chi hội ở các huyện. Hội tổ chức vận động nhưng không có lập quỹ, khi được nhà tài trợ hỗ trợ tiền dưới 200 triệu đồng giao về cho xã, số tiền lớn trên 200 triệu đồng giao về cho huyện và có Ban quản lý công trình tổ chức xây dựng. Huyện, xã sẽ chọn đơn vị thi công, Hội sẽ cử cán bộ kỹ thuật để kiểm tra xây dựng theo hồ sơ thiết kế. Tất cả phải được công khai rõ ràng. Nhiều cây cầu, đường nông thôn sau khi làm xong Hội thường mời các nhà hảo tâm đến tham dự buổi khánh thành công trình, nên họ rất tin vào cách làm của Hội mà tiếp tục đóng góp.
"Hội đã xây khoảng 1.580 cây cầu giao thông nông thôn, làm 200 km đường bê tông liên xã, ấp. Hiện nay, Hội Khoa học Kỹ thuật cầu đường Bến Tre tiếp tục phát huy vận động hỗ trợ xây cầu, đường và cho bảo trì giao thông nông thôn, duy tu, sửa chữa, nâng cấp cầu, đường hiện có, duy trì phục vụ sự đi lại an toàn cho nhân dân", ông Trịnh Văn Y cho biết thêm.
Theo UBND tỉnh Bến Tre, giai đoạn 2010-2015, toàn tỉnh đã huy động từ các nguồn lực xây dựng được trên 1.200 cây cầu, làm mới, nâng cấp trên 4.500 km đường giao thông liên xã, ấp, với tổng số tiền trên 2.600 tỷ đồng. Sự đóng góp của Hội Khoa học Kỹ thuật cầu đường của tỉnh đối với chương trình xóa "cầu khỉ", làm đường nông thôn là rất lớn.
Ông Nguyễn Hải Quân, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật cầu đường tỉnh Đồng Tháp cho biết, mới thành lập được hai năm nay nên Hội cũng đã có nhiều chương trình, kế hoạch vận động xã hội hóa giao thông nông thôn trong tỉnh. Tính đến nay, Hội đã huy động từ nhiều nguồn lực để xây dựng gần 200 cây cầu bê tông cốt thép và gần 300 km đường nông thôn với giá trị trên 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, toàn tỉnh Đồng Tháp vẫn còn hơn 1.000 km đường nông thôn và 530 cầu nông thôn cần được nâng cấp và xây mới.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ thì các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long sử dụng linh hoạt các nguồn vốn cho đầu tư phát triển mạng lưới giao thông để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế của cả vùng. Đặc biệt, là vận dụng linh hoạt các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở các địa phương. Đầu tư cho hạ tầng giao thông luôn phải đi trước một bước trong tái cơ cấu kinh tế của các tỉnh.