Rừng tự nhiên bị tàn phá, thay thế vào đó là những trụ trồng hồ tiêu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Cụ thể, UBND các xã vùng Tây Nguyên đã để mất 209.993 ha rừng tự nhiên, chiếm 29,32% trong tổng diện tích rừng được giao. Các Ban quản lý rừng để mất 112.130 ha, chiếm 8,88% và các doanh nghiệp nhà nước để mất 87.192 ha rừng tự nhiên, chiếm 9,47% trong tổng diện tích rừng tự nhiên được giao.
Mặt khác, các tỉnh Tây Nguyên hiện nay có trên 282.896 ha rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp được giao cho các UBND các xã, Ban quản lý rừng phòng hộ, các doanh nghiệp nhà nước… bị lấn chiếm, tranh chấp; trong đó, tranh chấp trong diện tích đất đã giao quyền sử dụng đất là 197.365 ha, diện tích còn lại tranh chấp thuộc diện chưa giao quyền sử dụng đất. Các tranh chấp cũng tập trung chủ yếu rừng do UBND xã, Ban quản lý rừng phòng hộ, doanh nghiệp nhà nước quản lý…
Nguyên nhân là trong thời gian dài, UBND các xã, các Ban quản lý rừng phòng hộ, các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn Tây Nguyên buông lỏng quản lý để người dân, nhất là đồng bào di cư đến ngoài kế hoạch ồ ạt phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép để sản xuất nông nghiệp, lập các khu dân cư trái pháp luật.
UBND các tỉnh vùng Tây Nguyên được giao quản lý diện tích rừng lớn (716.320 ha, trong đó 6.482 ha đất có rừng, diện tích còn lại là đất không có rừng) nhưng không được giao kinh phí, cũng không có cơ chế, trách nhiệm chưa rõ ràng, thiếu sự kiểm tra, giám sát dẫn đến diện tích rừng này trên thực ế không có chủ quản lý bảo vệ rừng cụ thể.
Cùng với đó, việc phân công, phân trách nhiệm, xử lý trách nhiệm trong quản lý nhà nước về rừng, đât lâm nghiệp chưa thể hiện rõ các quy định về trách nhiệm cũng như xử lý trách nhiệm của chính quyền các cấp, nhất là cấp huyện, cấp xã, người đứng đầu của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và chủ rừng. Ngay trước mắt, các công ty lâm nghiệp giải thể, diện tích rừng, đất rừng này các địa phương cũng chưa xác định được phương án giao quản lý bảo vệ rừng phù hợp càng làm cho rừng, đất rừng dễ bị khai thác, lấn chiếm trái phép…
Các chủ rừng chịu trách nhiệm rất lớn nhưng các điều kiện cần thiết (kinh phí cấp hàng năm thấp, phân bổ chậm, đầu tư phương tiện trang thiết bị hạn chế, lực lượng mỏng, thiếu so với quy định, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chưa rõ rang, các chế độ đãi ngộ thấp…) nên càng làm cho công tác quản lý bảo vệ rừng chưa thật sự hiệu quả.
Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị các tỉnh Tây Nguyên ngoài việc thực hiện có hiệu quả công tác sắp xếp, đổi mới hoạt động các công ty lâm nghiệp còn cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác giao, cho thuê rừng, đất lâm nghiệp do UBND các xã quản lý.
Các tỉnh Tây Nguyên cần đổi mới, tăng cường năng lực, trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng, đất lâm nghiệp từ tỉnh đến cơ sở cũng như nâng cao vai trò trách nhiệm của hệ thống chính trị các cấp trong việc tham gia quản lý bảo vệ rừng.
Mặt khác, các tỉnh Tây Nguyên cần có giải pháp thu hồi lại diện tích rừng, đất rừng bị lấn chiếm rái phép để trồng lại rừng…Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng gắn với quy hoạch sử dụng đất của địa phương đến năm 2020 để làm cơ sở cấp, đổi cấp, mới giấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, rừng cho các đơn vị chủ rừng để phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng, đất lâm nghiệp cho chính quyền cơ sở và chủ rừng.