Trong thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành cùng sự nỗ lực của ngành y tế, công tác tuyên truyền về dân số - kế hoạch hóa gia đình của tỉnh Kon Tum giai đoạn 2015 – 2020 có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, theo Sở Y tế tỉnh Kon Tum, với tỉ lệ tăng dân số tự nhiên trên 13/1000, địa phương này vẫn đứng đầu của khu vực Tây Nguyên; tỉ suất sinh năm 2019 của tỉnh Kon Tum là 2,74 con/phụ nữ, năm 2020 chưa có thống kê cụ thể, song vẫn cao hơn nhiều so với tỉ suất sinh chuẩn là 2,1 con/phụ nữ. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn cao, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, chịu ảnh hưởng bởi những hủ tục lạc hậu,… gây ra khó khăn cho ngành y tế tỉnh trong công tác tuyên truyền.
Phóng viên TTXVN sẽ phản ánh rõ hơn những hệ lụy của việc sinh nhiều con, những khó khăn trong công tác tuyên truyền dân số - kế hoạch hóa gia đình cũng như các phương án mà ngành y tế tỉnh Kon Tum đưa ra để kéo giảm tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên của tỉnh.
Bài 1: Hệ lụy của việc sinh nhiều con
Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Kon Tum, năm 2020, tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên của tỉnh là 15,6%. Dù có giảm so với năm 2019 (16,75%) song chưa đạt kế hoạch đề ra là 15%. Huyện Tu Mơ Rông là một trong những địa phương có tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên cao của tỉnh Kon Tum. Theo số liệu thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, địa phương này có tỉ lệ sinh con thứ 3 trong năm 2019 là 21,42%, năm 2020 là 14,59 %. Cá biệt, xã Đăk Hà – địa phương trung tâm của huyện có tỉ lệ lên tới 51,85% vào năm 2019 và 29,46% vào năm 2020.
Thôn Ngọc Leang, xã Đăk Hà có khoảng trên 110 hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số Xơ Đăng. Tuy nhiên, theo bà Y Khương, Trưởng thôn Ngọc Leang, cả thôn chỉ có khoảng 1 – 2 hộ có 2 con, còn lại đều có từ 3 con trở lên. Cá biệt, có nhiều hộ sinh trên 10 con. Điều này khiến kinh tế của các hộ dân trong thôn gặp nhiều khó khăn, khi có tới trên 40 hộ thuộc diện hộ nghèo.
Chị Y Thum (sinh năm 1999, trú thôn Ngọc Leang) cho biết, chị lập gia đình năm 2016. Đến nay, chị đã có ba người con, sinh lần lượt vào các năm 2016, 2017, 2019. Kinh tế gia đình phụ thuộc vào người chồng, bởi chị phải ở nhà trông con. Chính vì vậy, hai vợ chồng phải ở trong một căn nhà cũ, được làm từ những tấm gỗ và tôn che lại, tài sản trong nhà không có gì có giá trị. Đây cũng là một trong những hộ nghèo của thôn.
Trong khi đó, thôn Kon Jơ Dri, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum có khoảng 170 hộ dân người Bahnar sinh sống. Thế nhưng, có tới trên 115 hộ sinh con thứ 3 trở lên. Cá biệt, có khoảng 5 hộ sinh hơn 10 người con; điển hình trong đó là gia đình của chị Y Khai Hoang (sinh năm 1985) và chồng là anh A Thủy (sinh năm 1983). Nhìn người phụ nữ có thân hình nhỏ nhắn, ít ai nghĩ rằng mới 36 tuổi, chị Y Khai Hoang đã là mẹ của 11 đứa con.
Chị Khai Hoang chia sẻ, sau khi lập gia đình vào năm 2004, hai vợ chồng chị làm được căn nhà nhỏ tại thôn Kon Jơ Dri. Không có đất sản xuất, cuộc sống của hai vợ chồng phụ thuộc hoàn toàn vào việc đi làm thuê. Thế nhưng, 11 đứa con ra đời liên tục vào các năm 2004, 2005, 2006, 2008, 2010, 2011, 2013, 2014, 2016, 2017 và 2018 khiến chị Khai Hoang luôn trong tình trạng “nuôi con mọn”. Đứa trước chưa đủ lớn, chị đã đón nhận đứa con tiếp theo. Thậm chí, chị còn nhầm khi đọc tên thứ tự những đứa con của mình. Cứ thế, kinh tế gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào công đi làm thuê của người chồng, vừa phải nuôi 13 miệng ăn, vừa phải lo cho các con đi học.
“Giờ thì hai đứa con đầu của mình đang học cấp III, 2 đứa tiếp theo học cấp II, 4 đứa học cấp I và 2 đứa học mầm non. Dù không phải đóng tiền học phí, nhưng tiền sách vở, bút thước cũng tốn rất nhiều. Giờ nhà đã xuống cấp nghiêm trọng rồi, trời nắng thì đỡ lo chứ trời mưa là dột, gió lớn cũng lo vì cột nhà đã mục. Trong nhà cũng không có gì đáng giá cả bởi làm được bao nhiêu cũng hết”, chị Y Khai Hoang tâm sự.
Cũng chính vì sinh đông con, nên đã từ nhiều năm nay, gia đình chị Khai Hoang thuộc diện hộ nghèo của xã Đăk Rơ Wa. Khi được hỏi liệu khi nào mới hết nghèo, người phụ nữ này chỉ biết lắc đầu, bởi chính chị cũng không biết bao giờ, cái đói, cái nghèo mới thôi “bủa vây” gia đình mình.
Việc sinh nhiều con không chỉ gây ra những hệ lụy về kinh tế, mà còn mang lại tác động tiêu cực đến các vấn đề khác của xã hội, trong đó có giáo dục. Cô Hồ Thị Thùy Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum cho biết, hiện nay trường có khoảng trên 100 em trong tổng số 622 em học sinh thuộc các gia đình đông con. Chính vì vậy, việc duy trì sĩ số, giúp các em đến trường đều đặn gặp nhiều khó khăn, bởi một số em phải lên nương, lên rẫy phụ giúp cha mẹ. Mỗi khi như vậy, các thầy cô giáo của trường lại tự tìm đến nhà của các em để vận động cha mẹ học sinh cho con em đến trường. Song tình trạng nghỉ học đột xuất của các em vẫn còn diễn ra.
Bác sỹ Đỗ Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum nhận định, tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao sẽ khiến cho mật độ dân số ngày càng tăng cao, có thể dẫn đến bùng nổ dân số kèm theo những vấn đề về kinh tế - xã hội phát sinh. Điều này khiến cho chất lượng cuộc sống ngày càng giảm sút. Đồng thời, tình trạng này sẽ cản trở sự phát triển kinh tế, ảnh hưởng đến những nỗ lực phát triển của tỉnh...
Bên cạnh đó, việc sinh nhiều con còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Bởi thực tế cho thấy, những khu vực có mức sinh cao tập trung chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Ở những khu vực này, việc chăm sóc, tiếp cận đầy đủ tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe còn gặp nhiều khó khăn, người dân ít có điều kiện chăm sóc và nuôi dưỡng con. Đó cũng chính là nguyên nhân gây ra tình trạng tử vong mẹ và tử vong trẻ sở sinh cao… ảnh hưởng đến chất lượng dân số.
“Đặc biệt, các gia đình đông con thường là hộ nghèo nên không có điều kiện nuôi dạy con cái đầy đủ. Tỉ lệ hộ nghèo phát sinh tại nhiều địa phương từ đó cũng gia tăng, gây áp lực lớn đối với việc thực hiện chính sách an sinh – xã hội. Ngoài ra, tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao sẽ dẫn đến tình trạng thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế của các hộ gia đình này”, bác sỹ Đỗ Ngọc Hòa phân tích.
Bài 2: Khó khăn trong công tác tuyên truyền dân số