Những dòng kênh xanh cho những mùa vàng bội thu vùng Đồng Tháp Mười

Những dòng kênh xanh trải dài vô tận tạo nên những cánh đồng lúa mênh mông đã giúp Long An trở thành một trong những địa phương sản xuất lương thực lớn nhất cả nước với khoảng 2,8 triệu tấn/năm.

Kênh Chính khu tưới Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Nguồn: baolongan.vn

Nhờ những dòng kênh thủy lợi, tỉnh Long An đã khai hoang thành công vùng Đồng Tháp Mười, biến vùng đất "chết" thành vựa lúa của Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Cải tạo vùng đất nhiễm phèn nặng 

Ông Nguyễn Văn Nhạt, ngụ ấp Vĩnh Ân, xã Vĩnh Đại (Tân Hưng - tỉnh Long An) phấn khởi tâm sự, hiện nay, gia đình ông đang canh tác gần 50 ha đất sản xuất lúa 2 vụ. Mỗi năm trừ các chi phí sản xuất, gia đình ông lãi hơn 1 tỷ đồng. Trước kia, vùng đất này nhiễm phèn nặng không ai canh tác, những cánh đồng hoang trải dài vô tận.

“Nhờ Nhà nước đầu tư hệ thống thủy lợi, những dòng kênh xanh đã tạo ra những mùa vàng bội thu. Những dòng kênh đã rửa phèn làm cho năng suất tăng lên gấp 5 đến 10 lần. Ngày trước, chưa có những dòng kênh, lúa giỏi lắm cho năng suất cao nhất khoảng 2 tấn/ha/vụ, chỉ làm được 1 vụ, thì nay, năng suất 10 tấn/ha/vụ là bình thường và hàng năm sản xuất được 3 vụ’’, ông Nhạt nói.

Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, trong những năm qua, tỉnh đã đầu tư đào hàng trăm con kênh thủy lợi với tổng chiều dài hàng nghìn km, tạo ra hệ thống thủy lợi liên hoàn, cải tạo thành công vùng đất Đồng Tháp Mười từ vùng đất nhiễm phèn nặng thành những cánh đồng lúa mênh mông cho năng suất cao, chiếm hơn 80% sản lượng thực toàn tỉnh.

Hiện nay, ngành nông nghiệp đang phối hợp với chính quyền các huyện tích cực vận động nhân dân phát triển hệ thống thủy lợi nội đồng thật sự đồng bộ, hiện đại; khai thác các lợi thế về địa hình, đất đai, đặc điểm dân cư.

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp đa dạng theo hướng tạo ra chuỗi giá trị gia tăng gắn với phát triển loại hình kinh tế khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo đà cho nông dân mở rộng canh tác, sản xuất thay đổi cuộc sống....

Nhìn cánh đồng lúa trải dài ngút ngàn, cho những mùa vàng bội thu, Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa (Long An), ông Lâm Văn Xứng cho biết, hiện huyện duy trì ổn định trên 43.000 ha sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, huyện tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất.

Năm 2017, huyện tiếp tục tập trung nạo vét kênh mương nội đồng, bảo đảm 100% diện tích trong vùng quy hoạch sản xuất đủ nước tưới tiêu; phấn đấu đến cuối năm, 100% diện tích trong dự án hoàn chỉnh hệ thống đê bao lửng gắn với giao thông nông thôn ”.

Xây dựng hệ thống thủy lợi đồng bộ

Trong giai đoạn 2014 - 2020, tỉnh Long An huy động hơn 13.000 tỷ đồng để xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp định hướng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.

Tỉnh xác định tư xây dựng hệ thống thủy lợi, phục vụ sản xuất nông nghiệp trong tình hình mới, từng bước thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững.

Tỉnh tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ đa mục tiêu, nhằm góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách bền vững, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Nói về vấn đề này, ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, ngành nông nghiệp Long An cần tổ chức tốt quản lý và phân phối nước trên toàn hệ thống thuỷ lợi ở địa phương.

Cùng với đó, là tiếp tục đầu tư xây dựng mới các hệ thống công trình thuỷ lợi; tập trung đầu tư công trình tạo nguồn nước, hệ thống tưới và công nghệ phù hợp cho những vùng cây trồng hiệu quả kinh tế cao, có ưu thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.


Tỉnh cần thực hiện xã hội hoá quản lý khai thác công trình thuỷ lợi, trong đó ưu tiên cho quản lý khai thác hệ thống thủy lợi hiện có, vì đầu tư vào lĩnh vực này hiệu quả nhanh hơn, lớn hơn đầu tư xây dựng những hệ thống mới.

Trong các hệ thống thủy lợi, cần kiểm tra đánh giá chất lượng từng hạng mục để có kế hoạch tu bổ, thay thế và hoàn thiện hệ thống. Ngoài ra, tiếp tục nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ công nhân trong các doanh nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi.

Đây là một yêu cầu vừa cấp bách vừa lâu dài. Để làm được điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, tay nghề cho đội ngũ cán bộ.

Theo ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, ngành nông nghiệp sẽ tập trung đầu tư xây dựng hệ thống công trình kiểm soát mặn theo hình thức bao từng lưu vực sông rạch vùng Hạ, hoàn thiện khép kín các dự án kiểm soát mặn và ngọt hóa cho huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành, Thủ Thừa, Đức Huệ và Đức Hòa; tiếp tục xây dựng hệ thống kênh thủy lợi khu vực Đồng Tháp Mười (tỉnh Long An).

Tỉnh xây dựng hệ thống đê bao kép kín theo kênh cấp II và hệ thống cống dưới đê để kiểm soát mặn giữ ngọt vào mùa khô đồng thời nạo vét tuyến Bo Bo thuộc huyện Thủ Thừa và các kênh cấp II nối hai sông Vàm Cỏ Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây để tăng cường khả năng lấy ngọt trong mùa khô, thau chua rửa phèn trong mùa mưa.

Tỉnh cũng đầu tư xây dựng tuyến kiểm soát lũ kênh Tân Thành - Lò Gạch thuộc huyện Tân Hưng và Vĩnh Hưng (tỉnh Long An) giáp với huyện Tân Hồng và thị xã Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp).

Đây là công trình đầu mối kiểm soát lũ với vai trò chủ đạo, có tác động toàn cục trên diện rộng ở Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười và yếu tố xuyên biên giới được đề xuất để giải quyết vấn đề lũ, là một trong những cơ sở để tổ hợp hình thành các phương án bố trí hệ thống thủy lợi...

Trần Hữu Hiếu (TTXVN)
Long An vận động doanh nghiệp chung sức xây dựng cánh đồng lớn
Long An vận động doanh nghiệp chung sức xây dựng cánh đồng lớn

Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An cho biết, trong năm 2017, toàn tỉnh xây dựng cánh đồng lớn đối với cây lúa trên diện tích 36.700 ha; trong đó, vụ đông xuân thực hiện 18.400 ha và vụ hè thu thực hiện 18.400 ha.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN