Bà có đánh giá gì về vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc bảo tồn, giữ gìn di sản văn hóa truyền thống?Trong thời gian qua, khi đi khảo sát thực tế và tham gia các cuộc tọa đàm về bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở một số địa phương, tôi nhận thấy vai trò của người có uy tín, nghệ nhân là rất quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt là việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, bản sắc của từng dân tộc.
Thứ nhất là, việc họ tuyên truyền, vận động con em giữ gìn được phong tục tập quán của làng quê, của dân tộc mình.
Thứ hai là giữ gìn tiếng nói, trang phục, các lễ hội… Họ vận động con em, gia đình, dòng tộc hưởng ứng lễ hội đó để con cháu trong gia đình hiểu được giá trị của lễ hội, hiểu được truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Rõ ràng, người có uy tín, nghệ nhân có ảnh hưởng rất lớn và mang tính quyết định trong việc tuyên truyền vận động dòng họ, dân tộc mình nghe theo.
Chính vì vậy, việc phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ là rất cần thiết và thực tế trong những năm qua nhiều nghệ nhân nhận thấy giá trị đó cần phải giữ gìn, phát huy nên họ đã thành lập thành nhóm đứng lên giúp con em, dòng tộc và bà con buôn, làng để bảo tồn, giữ gìn và phát huy truyền thống của dân tộc mình.
Ngày nay, có nhiều lễ hội do người có uy tín đề xuất, khởi xướng thực hiện rất đáng ghi nhận và phát huy. Chúng ta nên khai thác các già làng, nghệ nhân như những người thầy truyền dạy những làn điệu dân ca, dân vũ đang có nguy cơ bị mai một…
Nếu chúng ta không phát huy vai trò của họ thì sẽ mai một những giá trị văn hóa truyền thống; bởi chính họ là người giữ lại những cốt lõi trong giá trị truyền thống của dân tộc như tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội, nhất là lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên…
Các nghệ nhân làng Plei Ốp, thành phố Pleiku (Gia Lai) truyền dạy thế hệ trẻ đánh cồng chiêng và múa xoan. Ảnh: Hoài Nam – TTXVN |
Một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc di cư vào các tỉnh Tây Nguyên, nhưng vẫn giữ gìn được nét văn hóa của dân tộc mình. Theo bà cần làm gì để phát huy nét đẹp này?Vừa qua, sau khi đi khảo sát tình hình thực tế tại một số tỉnh Tây Nguyên và cùng chủ trì một cuộc tọa đàm về vai trò người có uy tín tiêu biểu tại Gia Lai, tôi cũng được nghe người dân phản ánh việc phát triển kinh tế vùng miền có nhiều đặc thù; trong đó có việc bà con di cư từ các tỉnh phía Bắc vào các tỉnh Tây Nguyên.
Sau khi di cư đến, bà con cũng thành lập các bon, buôn, làng và cũng giữ gìn được những bản sắc văn hóa, vào dịp ngày lễ, Tết, bà con vẫn mặc trang phục của dân tộc mình, tham gia các lễ hội như đồng bào dân tộc Mường, Mông, Tày…
Mối quan hệ của các dân tộc cũng được Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc các cấp quan tâm, phát huy vai trò già làng trong việc kết nối giữa làng này với làng kia, giữa dân tộc này với dân tộc kia để tạo thành một khối đoàn kết thống nhất với nhau, chia sẻ những khó khăn với nhau trong cuộc sống.
Qua khảo sát, tôi thấy tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, làng bản, buôn bon rất tốt. Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, một số nơi trong vùng vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp. Cho nên cần tăng cường hơn nữa việc củng cố hệ thống chính trị; các ngành, các cấp cần tích cực tuyên truyền, bám nắm địa phương, cơ sở.
Đặc biệt là vai trò của Mặt trận Tổ quốc các địa phương, các đoàn thể trong hệ thống chính trị để xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, vai trò của Ban công tác Mặt trận, các tổ chức thành viên trong việc tích cực vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”...
Xin cảm ơn bà!