Pha sút bóng của các “cầu thủ” trong Hội thi voi đá bóng tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk). Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Nhiều người chưa đặt chân tới Tây Nguyên nhưng khi nói tới vùng đất này họ đã nghĩ ngay đến những đàn voi và tiếng cồng chiêng, những mái nhà rông vút lên trời xanh, những ngọn thác trắng lưng trời và bóng cây kơnia “uống nước nguồn miền Bắc”. Và trong xa xăm của tâm tưởng là trường ca Đam San bập bùng bên lửa, giọng kể khan trầm hùng âm vang ngôi nhà “dài như một tiếng chim ngân”.
Có thể nói, những kho tàng văn học bằng văn bản cùng với nền văn học truyền khẩu, trang phục, âm nhạc dân gian, văn hóa ẩm thực, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể như đàn đá, như nhà rông, nhà dài, tượng nhà mồ, các lễ cúng thần linh, lễ hội cồng chiêng – (đã tạo nên không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại) - cùng kho tàng văn hóa dân gian, các loại hình văn hóa tâm linh, sinh hoạt cộng đồng … tất cả đã tạo nên một nền văn hóa chỉ có ở Tây Nguyên.
Nói đến văn hóa Tây Nguyên là nói đến sự gắn kết chặt chẽ giữa buôn, làng và luật tục, phong tục, lễ hội trong không gian rừng đại ngàn. Các lễ hội đều mang tính cộng đồng, bao gồm các dòng tộc khác hoặc các buôn làng khác để cùng nhau thực hiện nghi lễ cúng bến nước, lễ ăn cơm mới, lễ cưới, lễ mừng thọ, lễ bỏ mả, lễ cúng Yang, cúng voi… Các lễ hội hay nghi lễ cúng tế thần linh đều mang âm hưởng của đại ngàn. Rừng thực sự là cái nôi sản sinh và nuôi dưỡng văn hóa Tây Nguyên.
Nhìn một cách khái quát, chúng ta có thể thấy văn hóa Tây Nguyên đã trải qua nhiều biến động và đã bị pha trộn, mai một nhiều nét đặc sắc. Có mấy nguyên nhân có thể dễ dàng nhìn thấy; mà nguyên sau là hệ quả của nguyên nhân trước, gây ra các phản ứng mang tính dây chuyền, ngày càng tác động mạnh vào nền văn hóa bản địa.
Có thể nói nguyên nhân khởi đầu là do qui mô di dân, cả di dân trong kế hoạch và di dân tự do, kéo dài suốt mấy chục năm qua. Hệ lụy của nó là không chỉ tăng dân số cơ học, gây áp lực, làm thay đổi cơ cấu dân số, mà còn dẫn đến tình trạng khai thác, phá rừng bừa bãi, tràn lan, làm rất nhiều diện tích rừng và những cánh rừng đại ngàn thành đất trống, đồi trọc.
Di dân mang theo cả phong tuc tập quán, lối sống, văn hóa và đã tạo ra sự giao thoa văn hóa, một mặt làm giàu cho văn hóa bản địa, nhưng mặt khác cũng làm pha loãng hay biến dạng văn hóa bản địa.
Trước thực trạng đó, từ vài thập niên trước, đã có cảnh báo từ các nhà văn hóa, các chuyên gia rằng, mất rừng là mất văn hóa Tây Nguyên. Và như một logich tất yếu văn hóa Tây Nguyên sau hơn 40 năm nhìn lại chúng ta thấy một loạt hệ lụy đang đe dọa sự tồn tại.
Nguyên nhân đều bắt đầu từ rừng. Một khi không còn rừng, vốn được xem là cái nôi của sự sinh tồn, người dân phải bỏ đi nơi khác tìm kế sinh nhai, bỏ lại cả đời sống vật chất hiện tại cùng đời sống tâm linh trên những vùng rừng đã mất; cũng đồng nghĩa với việc từ bỏ nền tảng bền vững và thiêng liêng gắn với cộng đồng từ đời này qua đời khác.
Cái gốc của văn hóa, đời sống bị cuốn trôi theo những cánh rừng bị chặt phá. Văn hóa không còn môi trường tồn tại và phát triển. Sự thuần khiết của những tinh hoa văn hóa bị lai tạp và pha trộn, khiến người dân tộc bản địa đánh mất đi những đặc sắc văn hóa của dân tộc mình.
Đó cũng là một tác nhân của việc phát triển các tín ngưỡng, tôn giáo/hay tà giáo cũng như việc lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng của Nhà nước, gây ra tiềm ẩn rủi ro về an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn một số tỉnh Tây Nguyên thời gian qua.
Những giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã ăn sâu vào đời sống của mỗi buôn làng. Ảnh: Quang Thái/TTXVN |
Mối quan hệ rừng- con người – văn hóa là hữu cơ, gắn bó; là mối quan hệ tương sinh, có rừng thì có người, có văn hóa,; ngược lại mất rừng thì người đi, văn hóa mất, là hậu quả của mối quan hệ tương khắc, trái qui luật, không hài hòa, hợp lý. Sự mất cân bằng đó tất dẫn đến đời sống nhân dân các dân tộc Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn. Do đó, người dân sẽ ít quan tâm đến việc giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống. Đã có tình trạng ở một số địa phương, người dân phải bán cả cồng chiêng, ché, nhà cổ để làm vốn sản xuất, sinh nhai.
Đi dọc Tây Nguyên một điều dễ nhận thấy là sự thay đổi của các buôn làng. Rất khó tìm thấy những nhà rông, nhà dài, nhà sàn, thay vào đó là những ngôi nhà xây gạch, lợp ngói trông giống như một xóm tái định cư nào đó, làm cho ta cảm thấy chất Tây Nguyên đã mai một, không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng bị đông cứng lại như những khối bê tông ở các nhà dài mới được xây dựng trong những năm gần đây từ vốn ngân sách.
Cũng phải nói đến Tây Nguyên là một miền đất của những lễ hội độc đáo như lễ hội đâm trâu, lễ hội năm mới, lễ hội cồng chiêng…Nhưng do đời sống khó khăn và do dân làng không có khả năng hoạt động như trước vì mất rừng, nên rất ít nơi còn tổ chức được các lễ hội này mà chỉ còn trông chờ Nhà nước tổ chức trong các dịp lễ lạt nào đó. E rằng những lễ hội mang đậm màu sắc đại ngàn Tây Nguyên này nếu không có biện pháp bảo tồn thì trong tương lai không xa chỉ còn tồn tại qua lời kể đối với không ít vùng ở Tây Nguyên.
Tây Nguyên có thể nhìn trên nhiều bình diện khác nhau trong sự nghiệp phát triển bền vững. Đó là vùng đất chiếm đến 60% diện tích đất baazan của cả nước để trồng cà phê, cao su; là vùng địa kinh tế đầy tiềm năng, là vùng địa chiến lược trọng yếu…
Nhưng chung qui lại mọi khái niệm, vai trò, vị trí và định hướng chiến lược đối với Tây Nguyên luôn phải gắn với cội nguồn là rừng, phải qui chiếu về rừng. Rừng là nhân tố nền tảng và quyết định làm nên tính cách, phong tục, tập quán của con người và đặc biệt là văn hóa. Có thể gọi văn hóa Tây Nguyên là văn hoá mang dấu ấn của đại ngàn đặc sắc.
Xem tiếp Bài 3 tại đây