Phát triển bền vững từ lòng dân

Phát triển bền vững Tây Nguyên - Bài III

Nói về rừng và đất rừng Tây Nguyên không thể không nói tới một cái mốc mang tính lịch sử trong việc quản lý và bảo vệ rừng, đất rừng theo pháp luật. Đó là nghị định số 17-HĐBT ngày 17/1/1992 của Hội đồng Bộ trưởng về thi hành Luật Bảo vệ rừng.

Nhân viên khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng (Đắk Nông) phát cỏ trồng rừng phủ xanh khu vực lòng hồ thủy điện. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Theo nghị định này, vấn đề phát triển rừng bao gồm rừng tự nhiên, rừng trồng cũng như đất lâm nghiệp đã được quản lý theo Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Nhà nước thống nhất quản lý rừng, đất trồng bằng luật, chính sách, quy hoạch, kế hoạch và các chế độ, thể lệ.

Nhà nước giao rừng, đất trồng rừng cho tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế để quản lý, bảo vệ, xây dựng và sản xuất, kinh doanh ổn định lâu dài. Đặc biệt, nghị định này thừa nhận “rừng làng, rừng bản thuộc quyền sở hữu công cộng của làng, bản theo quy định của pháp luật”.

Để Tây Nguyên phát triển bền vững thì Nhà nước không chỉ thừa nhận “rừng làng, rừng bản thuộc quyền sở hữu công cộng của làng” mà còn phải tạo mọi điều kiện cho mỗi làng đều có rừng để thực hiện quyền sở hữu công cộng như luật tục bao đời nay của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Đặc biệt cần nghiêm cấm việc mua bán, sang nhượng đất nông nghiệp, đất rừng. Thực tế là trong hàng chục năm qua, do di dân ồ ạt nên nhu cầu về đất sản xuất lớn, người dân mọi miền di cư lên Tây Nguyên đã tìm mọi cách mua, sang nhượng đất thổ cư, đất canh tác của đồng bào dân tộc bản địa.

Hệ quả là đồng bào phải đi sâu vào trong rừng, tiếp tục phá rừng làm nương rẫy, không những làm cho đời sống đồng bào khó khăn hơn mà việc giữ rừng ngày càng khó kiểm soát. Cùng với chủ trương đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ thì cần phải có một chiến lược trồng và bảo vệ rừng; coi đó là trách nhiệm của mỗi người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị.

Chỉ có như vậy thì mới khôi phục và giữ được rừng cho Tây Nguyên. Mặt khác cũng cần phải xem xét lại đất của các nông lâm trường, nếu làm ăn không hiệu quả thì phải giao lại cho người dân bản địa để họ canh tác và trồng rừng; vừa hạn chế được tình trạng tranh chấp, khiếu kiện đất đai vừa làm yên lòng dân, tạo dựng cho dân tư liệu sản xuất để vượt khó mưu sinh, xóa đói, giảm nghèo.

Để phát triển Tây Nguyên bền vững cũng cần phải nhìn từ góc độ văn hóa. Đã có nhiều ý kiến thể hiện sự hiểu biết sâu sắc và đầy trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Tây Nguyên. Tựu chung lại vẫn là làm sao bảo vệ được rừng; xây dựng các chính sách đặc thù để đưa văn hóa Tây Nguyên vào các chương trình giáo dục, nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.

Nhiều ý kiến đề cập đến những cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển du lịch văn hóa bản làng, du lịch sinh thái, đưa việc giữ gìn và phát triển bền vững văn hóa Tây Nguyên, nhất là văn hóa cồng chiêng vào cuộc sống…Nhiều ý kiến nhấn mạnh đến vai trò chủ thể là người dân trong việc phát huy vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững ở Tây Nguyên.

Chim Bạc má mào sinh sống trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Nhìn dưới góc độ văn hóa, muốn phát triển Tây Nguyên bền vững phải bắt đầu từ văn hóa và mục tiêu cuối cùng cũng là văn hóa - văn hóa của đại ngàn Tây Nguyên. Bởi vì suy cho cùng, một khi Nhà nước triển khai nhiều chính sách ưu tiên thì đồng bào Tây Nguyên có thể sẽ giảm những lo toan về sinh kế.


Nhưng nếu không có một chính sách phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, thì dù người dân không thiếu ăn, thiếu mặc mà vẫn bị phai nhạt bản sắc dân tộc, dân không còn là người của làng, làng không còn cho dân, cái nôi sinh tồn, cái nôi văn hóa không còn thì không thể nói sự phát triển đó là bền vững.

Do vậy, bảo tồn và phát triển văn hóa là một yếu tố trọng yếu, là một sự nghiệp lâu dài, luôn phải được đặt lên vị trí hàng đầu trong chiến lược phát triển bền vững Tây Nguyên. Trước mắt cần phải phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn, buôn và người có uy tín trong cộng đồng, phối hợp với chính quyền khôi phục lại sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Một khi không gian văn hóa được khôi phục, các hoạt động văn hóa cộng đồng diễn ra thường xuyên, mọi thuần phong, mỹ tục được thể hiện trong đời sống thường ngày thì người dân sẽ gắn bó với làng xuất phát từ tinh thần trách nhiệm với cộng đồng và tình yêu với quê hương, đất nước.

Dân phải bám làng, sống cùng làng, cùng chung tay góp sức xây dựng, bảo vệ làng – rừng; làng – rừng phải thật sự là không gian sinh tồn và phát triển cho cả cộng đồng, đó là căn nguyên để Tây Nguyên phát triển bền vững từ trong lòng người.

Nguyễn Quang Vinh (TTXVN)
Phát triển bền vững Tây Nguyên - Bài II
Phát triển bền vững Tây Nguyên - Bài II

Tây Nguyên là một vùng văn hóa giàu bản sắc bậc nhất của nước ta, với những giá trị vô cùng phong phú.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN