Anh A Môn ở xã Măng Ri huyện Tu Mơ Rông cho biết, hơn 1 tháng qua, các cây sâm giống mới trồng bị hư hại nhiều. Ban đầu cây rủ, thối lá, một số cây hư cả rễ, củ. Cá biệt, các cây sâm lớn tuổi bị hư hoa. Diện tích cây bị hại nhiều chủ yếu ở những vườn cây bị mưa, ít mái che và không có lưới che mưa. Diện tích cây bị bệnh chiếm 20% tổng diện tích cây.
Theo anh A Môn, không riêng diện tích cây sâm Ngọc Linh ở xã Măng Ri, rất nhiều diện tích cây giống ở các xã có trồng sâm trên 2 huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei cũng đều có triệu chứng hư lá, thối rễ.
Thống kê ban đầu của huyện Tu Mơ Rông - đơn vị có diện tích sâm Ngọc Linh lớn nhất tỉnh Kon Tum cho biết, đến cuối tháng 5, có 4/9 xã trong huyện có diện tích trồng sâm bị thiệt hại. Số lượng cây bị thiệt hại do sâu bệnh hại gần 30.000 cây; trong đó, xã Măng Ri gần 21.000 cây; xã Tê Xăng là 1.900 cây; xã Ngọk Lây là 7.075 cây. Trước thực trạng này, chính quyền và các ngành chức năng trong tỉnh Kon Tum đã vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân.
Ông Trần Ngọc Luận, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật và Kiểm dịch nội địa (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum) cho biết, chi cục đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn và các xã của 2 huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông kiểm tra thực tế.
Qua đánh giá, nhận định đây là các bệnh chết rạp, chủ yếu xảy ra trên cây 1 năm tuổi, cây nhỏ tuổi, trồng trong vườn ươm. Từ tháng 3 đến nay, tại khu vực trồng sâm Ngọc Linh có lượng mưa nhiều, thường xuyên có sương muối, trời âm u, ẩm độ cao tạo điều kiện cho các loại nấm bệnh phát sinh và phát triển mạnh.
Đa phần các vườn không có lưới che, khi cây sâm còn nhỏ gặp mưa lớn tạo vết thương và qua đó nấm bệnh xâm nhập. Đây là lần đầu tiên bệnh chết rạp xuất hiện nhiều trên cây sâm Ngọc Linh tại tỉnh Kon Tum.
Ngay sau khi xuất hiện các triệu chứng lá cây bị bệnh, người dân trồng sâm đã chủ động phòng ngừa bằng kinh nghiệm. Anh A Môn cho biết: “Tôi không dùng thuốc. Đối với cây bị bệnh thì di dời ra ngoài để phòng chống bệnh lây lan cho các cây khác. Cùng đó, bón thêm phần chuồng để bổ sung dinh dưỡng cho cây. Bảo vệ cây bằng các màn che để hạn chế thiệt hại khi gặp mưa…”.
Để điều trị và hạn chế bệnh lây lan, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum cũng đề nghị UBND các huyện trồng sâm Ngọc Linh chỉ đạo các Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, chính quyền các xã tuyên truyền khuyến cáo các hộ dân có diện tích trồng sâm Ngọc Linh vệ sinh vườn cây để tạo độ thông thoáng; tách những cây bị bệnh ra luống và trồng vào giá thể mới để tránh bệnh lây lan. Đồng thời, thường xuyên thăm để phát hiện bệnh sớm báo các cơ quan chức năng xử lý kịp thời. Ngoài ra, sửa chữa, bổ sung mái che cho luống trồng để mưa không tác động tiếp vào cây sâm nhằm hạn chế nấm lây lan.