Quản lý khoáng sản vùng Tây Nguyên

Tài nguyên khoáng sản ở Tây Nguyên được đánh giá khá đa dạng. Bên cạnh một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn như than bùn, than nâu, sét cao lanh là một số kim loại màu nặng... đã được phát hiện.

Vẫn nóng “quặng tặc”

Khoáng sản ở Tây Nguyên khá phong phú và đa dạng về loại hình, kiểu nguồn gốc, trong đó có những loại khoáng sản có quy mô rất lớn (bauxite và sắt đi kèm, đá ốp lát từ đá magma), có những khoáng sản đặc thù (magnesit, bentonit và diatomit) so với các vùng khác trong cả nước. Đây là những loại khoáng sản có thế mạnh của Tây Nguyên trong cân đối nguồn tài nguyên khoáng sản của cả nước.

Nhà máy Alumin Nhân Cơ, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông).


Đặc biệt, riêng bauxite có trữ lượng quặng nguyên 3,05 tỷ tấn, quặng tinh 1,5 tỷ tấn phân bố chủ yếu ở Đắk Nông và ở khu Konplon - An Khê thuộc tỉnh Gia Lai, Kon Tum với trữ lượng quặng nguyên 3 triệu tấn, quặng tinh 162 triệu tấn... chiếm tới 91% trữ lượng bauxite của cả nước. Tuy hoạt động khai thác ở đây chưa phát triển mạnh như những vùng kinh tế khác, nhưng đã và đang gây ra nhiều vấn đề bức xúc cho xã hội và môi trường sinh thái, đặc biệt là tình trạng khai thác trái phép một số khoáng sản như vàng sa khoáng, thiếc, vật liệu xây dựng và cả việc xúc tiến khai thác bauxite trên quy mô công nghiệp. Điều này đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý, đi đôi với việc khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên không tái tạo này trên toàn vùng Tây Nguyên.


Theo GS.TS Lê Văn Khoa, Viện Tư vấn Phát triển - CODE: Công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản ở các tỉnh Tây Nguyên đã từng bước được tăng cường, nhưng vẫn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Đó là tình trạng khai thác khoáng sản trái pháp luật như vàng sa khoáng, đá quý, đá chẻ, cát xây dựng... gây ô nhiễm môi trường, thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng đến an ninh trật tự nhưng các ngành chức năng vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn triệt để. Tính đến năm 2012, diện tích đất đai sử dụng cho hoạt động khoáng sản trong vùng khoảng gần 2.000 ha, chiếm 0,06% diện tích tự nhiên toàn vùng, giá trị đóng góp vào GDP của 5 tỉnh xấp xỉ 1%.


Nhưng do buông lỏng quản lý, tình trạng khai thác tràn lan vàng sa khoáng, cát, đá chẻ... theo kiểu “quặng tặc” đã trở thành vấn nạn, gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh thái và ổn định xã hội ở 5 tỉnh Tây Nguyên. Nghiêm trọng nhất là việc khai thác các loại khoáng sản trái phép còn diễn ra ở những cánh rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Đơn cử như khu vực Vườn Quốc gia Bi Đúp - Núi Bà, Khu danh lam thắng cảnh Thung lũng Tình Yêu (Lâm Đồng) trở thành các điểm nóng đào đãi thiếc trái phép. Còn tỉnh Kon Tum chuyển 1.6 ha rừng đặc dụng thuộc Vườn Quốc gia Chư Mom Rây sang rừng sản xuất để khai thác mỏ wolfram...


Ngay từ năm 2009, phản biện về khai thác bauxite và chế biến alumin tại vùng Tây Nguyên, các nhà khoa học thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) nêu rõ: Đối với Việt Nam nói chung và vùng Tây Nguyên nói riêng, tiềm năng tài nguyên bauxite mới chỉ là điều kiện cần mà chưa đủ để xây dựng và phát triển ngành công nghiệp nhôm, khi các điều kiện về điện, hóa chất, trình độ khoa học công nghệ, trình độ quản lý bảo vệ môi trường... chưa được nghiên cứu và đánh giá đúng thực tế.


Đặc điểm chung của quặng bauxite ở vùng Tây Nguyên là có thể khai thác lộ thiên, phân bố mỏ dàn trải, vỉa quặng không dày và hầu hết phân bố ở các vùng canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp. Các vùng mỏ này nằm ở các vùng phòng hộ đầu nguồn của nhiều sông suối và các khu vực đa dạng sinh học, nên sẽ gặp khó khăn trong quá trình khai thác, nên sẽ có những tác động trực tiếp đến việc sử dụng đất, hệ sinh thái rừng đầu nguồn; vấn đề cân bằng nước, quặng thải, nước thải, ổn định xã hội không những ở vùng Tây Nguyên mà cả vùng hạ lưu các tỉnh ven biển miền Trung và Đông Nam Bộ.


Cho đến nay, hoạt động khai thác quặng bauxite và sản xuất thử nghiệm alumin ở Tây Nguyên mới thực hiện thí điểm tại một số nơi như Đồi Nam Phương, Tân Rai (Lâm Đồng); luyện alumin ở Nhân Cơ (Đắk Nông) nhưng cũng đã phát sinh về vấn đề môi trường.


Giải pháp khuyến nghị

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý địa chất và khoáng sản Lê Thanh Khuyến cho rằng: UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về lãnh thổ, đại diện quyền sở hữu tài nguyên của nhân dân, nên có quyền quyết định đối với việc sử dụng tài nguyên trên địa bàn. Vì vậy cần có lộ trình nâng cao năng lực quản lý cho địa phương, từng bước thực hiện phân quyền cấp phép và quản lý hoạt động khoáng sản cho địa phương (trừ các mỏ khoáng sản chiến lược và phân bố liên tỉnh) ở Tây Nguyên nói riêng và các tỉnh, thành phố trong cả nước nói chung.

Hoạt động hút cát của doanh nghiệp trên sông Krông Ana (Đắk Lắk) gây sạt lở bờ sông.


Về quản lý cấp phép hoạt động khoáng sản, phải thực hiện định giá tài nguyên và tổ chức đấu thầu khai thác khoáng sản. Việc đấu giá thăm dò - khai thác khoáng sản cần phải chuẩn bị đủ điều kiện về định giá tài nguyên và cơ chế quản lý. Hạn chế tối đa (hoặc bỏ hẳn) việc phân cấp và cấp giấy phép khai thác khoáng sản tràn lan ở cấp tỉnh như thời gian vừa qua; bổ sung các điều kiện, các cam kết về chế biến trước khi cấp giấy phép khai thác. Thực tế cho thấy vốn đầu tư cho khai thác không lớn, nhưng việc chế biến đòi hỏi vốn lớn, công nghệ hiện đại. Vì vậy dẫn đến việc khai thác tràn lan, không thực hiện được mục đích chế biến sâu.


Vùng Tây Nguyên nói chung và các tỉnh trong vùng cần được nhanh chóng xây dựng chiến lược, quy hoạch và chính sách phát triển từng loại khoáng sản đảm bảo tính đồng bộ từ khâu thăm dò, khai thác đến chế biến phù hợp với nhu cầu nền kinh tế và chấm dứt xuất khẩu sản phẩm thô. Đồng thời công khai hóa việc trích nguồn thu từ hoạt động khoáng sản và sử dụng nguồn thu này hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội nhân dân vùng có khoáng sản khai thác. Các Sở Tài nguyên và Môi trường 5 tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên cũng đã kiến nghị cần đầu tư thăm dò chi tiết, khoanh định diện tích phân bố, đánh giá trữ lượng, chất lượng các loại khoáng sản. Qua đó sẽ giúp cho công tác quản lý của các cơ quan chức năng địa phương sâu sát và hiệu quả hơn, sẽ xử lý triệt để tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép...


Theo đánh giá của các nhà khoa học thuộc Tổng hội Địa chất Việt Nam, Tây Nguyên tuy có tiềm năng về tài nguyên khoáng sản, những quá trình khai thác sẽ tác động bất lợi đến môi trường sinh thái và sinh kế của người dân địa phương. Do đó chỉ nên khai thác khi đã hội tụ đủ điều kiện về tiếp cận công nghệ, trình độ kỹ thuật, quản lý và xử lý kiểm soát được các vấn đề về môi trường. Đặc biệt là Chương trình bauxite Tây Nguyên cần phải đánh giá lại toàn bộ các khía cạnh kỹ thuật, hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của việc khai thác thời gian vừa qua. Qua đó xây dựng định hướng và chính sách tiếp theo đối với bauxite ở Tây Nguyên để khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững.

Ông Nguyễn Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam: Phải nắm chắc địa bàn

Chính quyền cơ sở cần nắm chắc địa bàn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý kiên quyết các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; khẩn trương kiểm tra, thu hồi ngay các văn bản do cấp huyện, cấp xã ban hành liên quan đến việc cho phép các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, thuê đất để tập kết, kinh doanh khoáng sản không đúng quy định pháp luật và chủ trương của tỉnh. Không cấp phép thăm dò, khai thác quặng thiếc ở các huyện Bắc Trà My, Đông Giang và khai thác vàng sa khoáng ở một số địa phương khác trong tỉnh; không cấp phép cho các doanh nghiệp liên doanh, liên kết với các đối tác nước ngoài... Xử lý nghiêm việc buông lỏng quản lý, sử dụng, khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép và các hành vi bao che, tiếp tay hoặc cho phép thăm dò, khai thác khoáng sản, thuê đất để tập kết, kinh doanh khoáng sản không đúng quy định pháp luật. Tỉnh ủy Quảng Nam đã thống nhất ra Nghị quyết về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Theo đó, Quảng Nam xác định quản lý, bảo vệ rừng và tài nguyên khoáng sản là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư và là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng và nhân dân nơi có rừng, khoáng sản giữ vai trò nòng cốt.

Ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam: Hoàn thiện cơ chế quản lý khoáng sản

Để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về khoáng sản, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, với trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoáng sản, thời gian qua, Tổng cục đã đề xuất hoàn thiện cơ chế quản lý khoáng sản. Chủ trì xây dựng để Bộ trình Chính phủ ban hành 4 Nghị định, tham gia xây dựng nội dung (phần khoáng sản) trình Chính phủ ban hành hai Nghị định và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành ba Quyết định; trình Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền hoặc phối hợp ban hành trên 30 Thông tư, Thông tư liên tịch. Đáng kể là Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Khoáng sản; Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực khoáng sản; hoàn thiện quy định về trách nhiệm các bộ, ngành liên quan, nhất là các địa phương trong bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách pháp luật về khoáng sản. Trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương trước hết là thực hiện tốt các văn bản nêu trên. Song để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản, thời gian tới, Tổng cục sẽ tiếp tục tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện cơ chế quản lý khoáng sản. Đặc biệt là tổ chức đánh giá 5 năm thực hiện các chính sách, pháp luật về khoáng sản trong Nghị quyết của Bộ Chính trị, quy định của Luật Khoáng sản 2010 để đề xuất hướng bổ sung, hoàn thiện.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Cần minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác

Từ năm 2010 đến nay, khung chính sách và pháp luật về tài nguyên khoáng sản của Việt Nam đang từng bước hoàn thiện. Trong tiến trình đó, nhu cầu về minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để nâng cao năng lực quản trị. Dù nguyên tắc này chưa được chính thức ghi nhận rộng rãi trong các văn bản quy phạm pháp luật của ngành khoáng sản, song nhiều quy định hướng tới minh bạch, công khai thông tin cũng đã được xem xét lồng ghép. Các quy định này được kỳ vọng sẽ góp phần cung cấp thông tin cho công chúng, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào việc khai thác, sử dụng các nguồn lợi từ khoáng sản một cách bền vững và đạt hiệu quả cao nhất.


Văn Hào – Viết Tôn /Báo Tin Tức
Làm giàu từ cây vải thiều trên đất Tây Nguyên
Làm giàu từ cây vải thiều trên đất Tây Nguyên

Nhờ tinh thần dám nghĩ, dám làm, anh Đỗ Công Hải, sinh năm 1986, ngụ thôn 2, xã Ea Sar, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, đã thành công trong việc trồng vải thiều trên đất Tây Nguyên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN