Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Ngọc Minh/TTXVN |
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng, UBND các tỉnh trồng tiêu trọng điểm cần có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, tổ chức liên kết sản xuất diện tích lớn theo quy trình đảm bảo chất lượng và hiệu quả.
Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ cấp mã số vùng trồng, sản xuất theo quy trình đáp ứng các yêu cầu chất lượng của các nước nhập khẩu nhằm xây dựng thương hiệu cho hồ tiêu Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, Bộ sẽ chỉ đạo các cơ quan thuộc Bộ nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ các bên tham gia liên kết, đặc biệt cho các doanh nghiệp vật tư đầu vào và doanh nghiệp sản xuất hồ tiêu để thúc đẩy liên kết sản xuất tiêu an toàn. Từng bước chuyển biến nhận thức của người dân sản xuất hàng hóa theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường thế giới.
Hiện nay, theo thống kê các tỉnh trồng hồ tiêu trong cả nước, diện tích hồ tiêu toàn quốc trên 126.000 ha, trong đó trồng mới trên 25.000 ha tập trung chủ yếu tại vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Năng suất và sản lượng hồ tiêu của Việt Nam luôn đứng đầu thế giới tạo được nhiều ưu thế cạnh tranh.
Tây Nguyên là khu vực có diện tích và năng suất hồ tiêu cao nhất cả nước với 28,6 tạ/ha/vụ, trong đó cao nhất là Gia Lai với 41,2 tấn/ha. Nhiều vườn hồ tiêu cho năng suất rất cao, đạt 5- 7 tấn/ha/vụ, cá biệt có một số hộ trồng tiêu đạt năng suất 10 tấn/ha/vụ.
Hiện nay, nhiều vùng trồng hồ tiêu tại Tây Nguyên đã áp dụng các giải pháp từ quy hoạch vùng trồng, đào tạo thiết kế vườn, sử dụng giống cây sạch bệnh, chăm sóc đúng quy trình. Nông dân có kinh nghiệm trong thâm canh sản xuất hồ tiêu, bón phân cân đối... đã từng bước thúc đẩy hồ tiêu phát triển bền vững.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hồ tiêu Việt Nam đặc biệt tại Đắk Nông, Đắk Lắk được người dân mở rộng ồ ạt, vượt xa so với quy hoạch kéo theo nhiều hệ lụy, giá hồ tiêu liên tục giảm mạnh. Thời điểm này, giá tiêu khô dao động từ 70.000 – 80.000 đồng/kg, đây là mức giảm sâu nhất trong 5 năm trở lại đây, chỉ bằng 50% so với thời điểm cuối năm 2016.
Ngoài ra, trên cây hồ tiêu đã xuất hiện nhiều loại bệnh khó chữa như chết nhanh, chết chậm và tuyến trùng hại rễ do canh tác không đúng yêu cầu kỹ thuật và sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng... khiến đầu ra sản phẩm bấp bênh.