Như vậy, từ năm 2013 đến nay, giá hồ tiêu liên tục giảm nhưng bà con nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên vẫn ồ ạt mở rộng diện tích.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân giảm giá tiêu hạt là do giá tiêu hiện nay trên thế giới đang giảm, đồng thời các tỉnh Tây Nguyên đang thu hoạch rộ, nhiều nơi được mùa nên khiến cho nguồn cung tăng cao, thương lái ép giá. Ví dụ như tại huyện Cư M’gar, Cư Kuin, một trong những vùng trọng điểm cây hồ tiêu của tỉnh Đắk Lắk niên vụ này đã đạt năng suất trên 3 tấn tiêu hạt/ha.
Nông dân ở Đắk Lắk chăm sóc vườn hồ tiêu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Ông Nguyễn Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk cho biết, mặc dù giá tiêu giảm sâu nhưng đồng bào các dân tộc ở tỉnh Đắk Lắk vẫn đầu tư chuyển một số diện tích cây trồng, nhất là cà phê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh sang trồng hồ tiêu. Vì thực tế hiện nay lợi nhuận từ cây tiêu cao gấp 3- 4 lần so với trồng cà phê, điều, còn với cây cao su thì càng gấp 5-6 lần.
Cũng theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, việc phát triển diện tích cây hồ tiêu tự phát ngoài tầm kiểm soát như hiện nay ở Tây Nguyên không những dễ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu làm cho giá hồ tiêu ngày càng giảm mà còn tăng nguy cơ bùng phát sâu bệnh trên cây hồ tiêu gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân.
Do chạy theo phong trào, nhiều gia đình đồng bào các dân tộc mua các giống tiêu trôi nỗi trên thị trường, giống tiêu không rõ nguồn gốc đưa vào trồng, trồng ở những chân đất không thích hợp, vùng đất dễ bị ngập nước, thoát nước kém… nên dẫn đến nhiều vườn tiêu chết hàng loạt.
Điển hình như gia đình anh Nguyễn Hồng Sơn, thôn 2A, xã vùng sâu Ea H’leo, huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) có 2.000 trụ tiêu chuẩn bị bước vào thu hoạch nhưng bị dịch bệnh khiến vườn tiêu chết hàng loạt, gia đình thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Theo đồng bào các dân tộc, hiện nay, bình quân một ha tiêu trồng mới đầu tư từ cây chói (trụ tiêu) làm đất, đào hố, bón phân, giống tiêu, công trồng… cũng lên đến 500 triệu đồng. Sau 3 năm đưa vào thu bói, nếu không may bị bệnh sâu bệnh hại thì nông dân thiệt hại rất lớn.
Cụ thể, năm 2016, các tỉnh Tây Nguyên cũng đã có hàng ngàn ha cây hồ tiêu bị sâu bệnh hại. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk có 2.776 ha bị sâu bệnh hại, tỉnh Đắk Nông có 2.349 ha cây hồ tiêu bị nhiễm bệnh…
Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có trên 72.000 ha cây hồ tiêu, tăng hơn 17.000 ha so cùng kỳ này năm ngoái, trong đó, Đắk Lắk là địa phương có diện tích cây hồ tiêu nhiều nhất với trên 28.000 ha, kế đến là tỉnh Đắk Nông có gần 25.000 ha, tỉnh Gia Lai có gần 16.000 ha…