Bà Vũ Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk cho biết, sâu keo mùa thu xuất hiện tại tỉnh Đắk Lắk từ tháng 5/2019, đến nay loài sâu này đã phá hoại hơn 3.000/54.334 ha ngô ha ngô vụ Hè Thu. Sâu keo mùa thu xuất hiện và lây lan nhanh tại các huyện huyện Krông Bông, Ea Súp, Krông Pắk, Buôn Đôn…
Theo bà Bình, đây là loại sâu bệnh hại mới xuất hiện trên địa bàn, chưa có thuốc đặc trị, tốc độ phá hoại cây trồng và lây lan nhanh nên người dân còn khó khăn trong phòng chống.
Vụ hè thu năm 2019, gia đình anh Y’ Soek Ayun, buôn Tul B, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) gieo trồng hơn 3 ha ngô, tuy nhiên, ngay từ khi cây lên được 5 lá đã bị sâu keo mùa thu ăn lá, phá hoại trên diện tích lớn. Từ khi phát hiện bị sâu keo mùa thu tấn công trên cây ngô đến nay, anh Y’ Soek Ayun đã phun thuốc 4 lần, nhưng không thể diệt trừ triệt để, hiện ngô đã ra bắp và sắp cho thu hoạch, nhưng sâu keo mùa thu đục vào ăn luôn phần bên trong của trái bắp.
“Các năm trước 3 ha ngô có thể thu về 20 tấn bắp, năm nay bị sâu keo mùa thu phá hoại, dự kiến chỉ thu lại 5 tấn bắp và lỗ phí đầu tư sản xuất”, anh Y’ Soek Ayun nói.
Bà Trần Thị Thủy, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Buôn Đôn cho biết, hiện sâu keo mùa thu đã phá hoại 170 ha ngô trên 4.225 ha diện tích ngô của huyện Buôn Đôn. Trước loài sâu bệnh hại mới, chưa có thuốc đặc trị, huyện Buôn Đôn đã tổ chức nhiều đợt tập huấn cho người dân về nhận biết loại sâu bệnh hại mới, để người dân nắm bắt tình hình và tổ chức phun thuốc nhằm hạn chế sự phá hoại của sâu keo mùa thu, giảm bớt thiệt hại về kinh tế. Đặc biệt, để người dân chủ động trong việc chọn giống, phòng chống sâu keo mùa thu trong vụ sau.
Theo Bà Vũ Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk cho biết, trước sự xuất hiện và phá hoại của sâu keo mùa thu, ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk đã tăng cường tuyên truyền đến người dân, để nhận biết đặc tính và mức độ gây hại của loài sâu bệnh mới.
Đồng thời, tỉnh hướng dẫn người dân tạm thời sử dụng thuốc nhằm hạn chế sự lây lan của sâu keo mùa thu; sử dụng một số loại thuốc sinh học, phòng trừ bằng cách ngắt ổ trứng đem tiêu hủy, dùng bẫy đèn, bẫy bả chua ngọt để diệt sâu trưởng thành, dùng chế phẩm nấm xanh, nấm trắng, virus NPV để phun diệt sâu tuổi nhỏ. Sử dụng loại thiên địch trong tự nhiên như ong mắt đỏ, bọ đuôi kim để bắt sâu keo non mới nở, hạn chế sự gia tăng của sâu keo.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, nắm rõ diện tích bị sâu keo mùa thu phá hoại của từng xã để có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Tăng cường thông tin tuyên truyền đến người dân về sâu keo mùa thu để người dân chủ động phòng chống cho các vụ sau. Cơ quan chuyên môn nghiên cứu, tìm kiếm giống ngô kháng, chống chịu sâu keo mùa thu để hướng dẫn nông dân thay thế giống nhiễm nặng.