Cụ thể, trang trại phong điện do Công ty cổ phần Giải pháp năng lượng gió HBRE làm chủ đầu tư đã xây dựng tại xã vùng sâu Đliê Yang (huyện Ea H’leo) có tổng nguồn vốn đầu tư hơn 13.000 tỷ đồng, tổng công suất lắp máy lên đến 280 MW, sản lượng điện hàng năm theo kế hoạch đạt gần 2 tỷ kWh.
Dự án chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn 1, hoàn thành đi vào phát điện cuồi năm 2018 với 12 tua bin đạt 28,8 MW, đạt sản lượng điện hơn 108 triệu kWh/năm, giai đoạn 2 và 3 hoàn thành vào năm 2020.
Riêng với dự án Nhà máy điện Mặt trời Srêpốk 1 do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đại Hải làm chủ đầu tư xây dựng tại xã Ea Wer, có tổng công suất 50 MW, với hệ thống pin năng lượng hơn 151.500 tấm, sản lượng điện dự kiến đạt trên 73 triệu kWh/năm và tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án phấn đấu vào quý II năm 2019 đi vào hoạt động phát điện.
Hiện nay, ca nhà thầu của hai dự án này đang tập trung thi công hoàn thiện các hạng mục công trình chính như nhà điều hành, trạm biến áp 110 KV, đường dây điện đấu nối vào lưới điện quốc gia, lắp đạt các tấm pin năng lượng mặt trời, hệ thống đường nội bộ, nhà văn phòng…
Cũng theo Sở Công Thương Đắk Lắk, thời gian qua, tỉnh đã có hàng chục nhà đầu tư trong, ngoài nước đến xin chủ trương đầu tư, khảo sát xây dựng các nhà máy điện gió, điện năng lượng mặt trời trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, hầu hết các địa điểm quy hoạch xây dựng các nhà máy điện gió, điện mặt trời đều nằm trên diện tích đất đai cằn cỗi, nghèo dinh dưỡng, sản xuất nông, lâm nghiệp kém hiệu quả, tập trung ở các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Bông, Ea H’leo, Krông Búk…
Trước mắt, tỉnh đã xác định được địa điểm, tăng số lượng dự án nhà máy điện mặt trời lên 18 dự án, với tổng diện tích sử dụng là 7.494 ha và 6 dự án điện gió khác để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm góp phần phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.