Như vậy, việc thành lập Hiệp hội thì các nhà sản xuất cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, các nhà sản xuất kinh doanh ý thức được vai trò của việc bảo vệ tài sản trí tuệ liên quan đến sản phẩm của mình và ý thức được lợi ích của việc tham gia Hiệp hội các nhà sản xuất. Các cơ sở sản xuất kinh doanh có thể tạo lập cho mình nhãn hiệu riêng đồng thời tham gia vào các Hiệp hội sản xuất để tận dụng nhiều lợi thế đưa lại. Để các Hiệp hội này thành lập và hoạt động hiệu quả, trước hết cần đến tinh thần đoàn kết, hợp tác giữa các nhà sản xuất sau đó mới cần đến chiến lược phát triển đúng đắn của Hiệp hội.
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành cần quyết định thành lập và hỗ trợ thành lập tổ chức tập thể đồng thời cho phép tổ chức này đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận.
Bà Trần Thanh Nga, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Thành Tín:
Cần có những chính sách đặc thù
Hiện nay tại các tỉnh ở vùng ĐBSCL và các vùng khác trong cả nước cần lựa chọn một vài doanh nghiệp có tiềm lực để gắn logo gạo Việt Nam. Động thái này rất quan trọng và là chỉ dẫn địa lý rất tốt cho việc doanh nghiệp nỗ lực xây dựng thương hiệu. Những doanh nghiệp được chọn để được gắn logo gạo Việt Nam phải đầu tư trang thiết bị hiện đại; có kho tàng đảm bảo; xây dựng được vùng nguyên liệu và làm tốt việc ký hợp đồng tiêu thụ lúa tươi của bà con nông dân.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý là quy trình xét chọn cần đảm bảo công khai, minh bạch và tuân thủ các điều kiện cần thiết, tránh cơ chế “xin - cho”. Khi đã được chọn gắn logo gạo Việt Nam, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về khuyến nông, nhất là về vốn tín dụng. Tại Sóc Trăng, nhiều ngân hàng luôn ủng hộ cho hoạt động của các doanh nghiệp.
Trong những thời điểm giá lúa xuống thấp, vào các vụ thu hoạch rộ, Chính phủ có chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay để doanh nghiệp thu mua lúa với giá ổn định cho nông dân tránh được thiệt hại do bị ép giá. Tuy nhiên, vẫn còn một số ngân hàng quá thận trọng trong việc giải ngân cho doanh nghiệp vay để thu mua khi lúa vào vụ. Tôi đề nghị các bộ, ngành trung ương, các ngân hàng thương mại quan tâm vấn đề này để người dân không còn phải chịu cảnh bán khi giá lúa thấp và khi giá cao thì không còn lúa bán.
Việc xét doanh nghiệp để gán logo gạo Việt Nam cần tuân thủ các điều kiện đặt ra bao nhiêu, thì việc kiểm tra, giám sát việc chấp hành của doanh nghiệp càng phải được quan tâm chặt chẽ bấy nhiêu. Vì nếu không làm tốt khâu quản lý, kiểm tra, sẽ dẫn đến tình trạng loạn giá gạo Việt Nam được gắn logo.
Thực trạng sản phẩm tiêu dùng “loạn” tem “hàng Việt Nam chất lượng cao” có thể kể đến khi một chai nước mắm, có chất lượng, có thương hiệu, giá 50.000 đồng, thì những chai nước mắm giá chỉ 5.000 đồng cũng được gắn tem “hàng Việt Nam chất lượng cao”. Việc gán mác như thế làm “hoa mắt” người tiêu dùng, không phản ánh đúng giá trị thật, chất lượng thật của sản phẩm. Như vậy, cần có sự khác biệt giữa doanh nghiệp được chọn gắn logo gạo Việt Nam với doanh nghiệp chưa được chọn. Sau thời gian nhất định, tổ chức xét chọn, những doanh nghiệp nào phấn đấu, đáp ứng được các điều kiện, tiếp tục xem xét cấp logo.
Nói chung, bên cạnh tạo ra các chính sách, cơ chế đặc thù đối với những doanh nghiệp làm tốt, đưa thương hiệu nông sản Việt ra được thị trường thế giới, cũng cần xử phạt những doanh nghiệp làm chưa tốt, ảnh hưởng đến uy tín, danh tiếng. Cho dù doanh nghiệp này đã được chọn nhưng khi làm không tốt, cũng cần mạnh dạn loại bỏ và công khai rộng rãi.
PGS.TS Tô Ngọc Hưng, Ủy viên Hội đồng quản trị độc lập Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam:
Tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp, nông dân
Để khuyến khích tăng trưởng tín dụng từ phía cầu và giảm mức độ rủi ro tín dụng ngay từ khâu thẩm định, quyết định cho vay, các ngân hàng có thể nghiên cứu và triển khai các sản phẩm tín dụng phù hợp với đặc thù của từng lĩnh vực, từng sản phẩm, đặc biệt chú trọng các sản phẩm tín dụng tài trợ cho các dự án có liên kết chặt chẽ theo chuỗi từ khâu sản xuất, chế biến, tới tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm nông sản.
Rõ ràng, trong bối cảnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp như hiện nay, tín dụng không thể chỉ được đưa vào hoạt động sản xuất sản phẩm nông nghiệp một cách đơn thuần mà cần được cơ cấu vào nhiều lĩnh vực có liên quan như: nghiên cứu khoa học công nghệ các giống cây trồng, giống vật nuôi cho năng suất cao; các cơ sở, nhà máy dự trữ và chế biến với hệ thống thiết bị bảo quản, quy trình công nghệ chế biến hiện đại; các cơ sở là đầu mối tìm kiếm thị trường, vận chuyển và tiêu thụ chuyên nghiệp...
Ví dụ, ngân hàng cung cấp các gói sản phẩm tín dụng dựa trên chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, cho vay theo dòng tiền, gắn với cung cấp các dịch vụ ngân hàng như bảo lãnh, thanh toán xuất nhập khẩu... Phát triển sản phẩm tín dụng dựa trên chuỗi liên kết và tìm kiếm thị trường đầu ra đa dạng cho sản phẩm sẽ giúp khách hàng vay vốn hạn chế được những rủi ro trong quá trình giao dịch sản phẩm, dịch vụ, hạn chế rủi ro tín dụng cho bản thân khách hàng và ngân hàng. Biện pháp hỗ trợ, tư vấn cho khách hàng lập phương án sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư sẽ giúp ngân hàng hiểu hơn về khoản vay đặc biệt là các rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra, từ đó có các giải pháp kiểm soát.
Ngoài việc phát triển các sản phẩm tín dụng như vậy, các ngân hàng cần tập trung huy động được nguồn vốn dồi dào để cấp tín dụng kịp thời cho tất cả khâu sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ với lãi suất, thời hạn vay vốn, bảo đảm tiền vay hợp lý lẫn các thủ tục vay vốn theo hướng đơn giản hóa. Song song với việc thực hiện các quy trình tín dụng truyền thống, các ngân hàng cần phải phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức đoàn thể để kết hợp hoạt động tín dụng với các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh cho khách hàng.