Những bước đi đầu tiên
Từ năm 2003, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia” bằng Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25/11/2003. Có thể nói đây là một trong những tiền đề quan trọng để các tỉnh, thành của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) quan tâm, chú trọng việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu, bảo hộ tên gọi chỉ dẫn địa lý, nhãn mác sản phẩm đối với các sản phẩm đặc thù, chất lượng tốt và có tính hàng hóa cao.
Những chương trình kết nối cung cầu là cơ hội để giúp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL quảng bá sản phẩm.
|
Trong đó, trái cây là sản phẩm được các địa phương vùng ĐBSCL tập trung hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý, phát triển sản phẩm vùng miền như: Chôm chôm Chợ Lách, bưởi da xanh Bến Tre, xoài cát Hòa Lộc, xoài cát Đồng Tháp, quýt đường Trà Vinh... Còn đối với thủy sản, hầu hết các doanh nghiệp chế biến thủy sản lớn đều đã xây dựng thương hiệu riêng của doanh nghiệp. Một số sản phẩm truyền thống của địa phương của vùng đã xây dựng chỉ dẫn địa lý là nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang) hay nhãn hiệu tập thể như mắm thái Châu Đốc (An Giang)... Riêng với gạo, đến nay các tỉnh đã xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với gạo nàng thơm Bảy Núi (An Giang), gạo một bụi đỏ (Bạc Liêu) và nhiều thương hiệu địa phương dưới hình thức bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận như: Gạo nàng thơm Chợ Đào (Long An), gạo thơm Sóc Trăng...
Đây là thành quả của các địa phương từ việc tập trung triển khai những chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm hình thành chuyên canh, sản xuất tập trung lớn. Từ đó, các địa phương này có điều kiện triển khai các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch chung cho việc xây dựng, phát triển thương hiệu và quan tâm đến công tác đào tạo, tập huấn, xúc tiến thương mại, đầu tư nhiều nguồn lực để phát triển khoa học công nghệ.
Bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công Thương: Xây dựng hình ảnh thực phẩm chất lượng cao Hình ảnh giá rẻ - chất lượng thấp gắn với Việt Nam trong một thời gian quá dài đã ảnh hưởng rất lớn đến nỗ lực xuất khẩu của Việt Nam. Muốn thúc đẩy xuất khẩu, Việt Nam không những phải tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác sản xuất nông nghiệp, mà còn phải cho thế giới biết tới những điều tốt đẹp về thực phẩm Việt Nam. |
Đồng Tháp là tỉnh đang tập trung tái cơ cấu sản xuất 5 ngành hàng nông sản chủ lực: Lúa gạo, hoa kiểng, xoài, cá tra và vịt. Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho biết xây dựng thương hiệu “Vịt Đồng Tháp” là mục tiêu mà ngành nông nghiệp tỉnh đang hướng tới. Theo đó, Đồng Tháp đã có nhiều chính sách hỗ trợ chăn nuôi hộ bằng việc hỗ trợ con giống sạch bệnh, chất lượng cao, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, tìm đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời tỉnh cũng đang tổ chức và liên kết lại các hộ sản xuất, trên cơ sở liên kết, hợp tác lại các tổ sản xuất, hợp tác xã, người chăn nuôi, tiếp cận với các ứng dụng khoa học kỹ thuật, tìm đầu ra ổn định. Hiện nay phát triển đàn vịt chạy đồng nhiều nhất tỉnh là các huyện Cao Lãnh, Thanh Bình, Tháp Mười và Tam Nông. Theo thống kê của Chi cục Thú y tỉnh, bình quân một năm Đồng Tháp có sản lượng vịt hơi xuất chuồng đạt khoảng 5.400 tấn, sản lượng trứng đạt trên 216 triệu quả/năm. Một điểm đáng chú ý là nhờ chăn nuôi theo phương thức thả đồng nên chất lượng vịt thịt thơm ngon, săn chắc hơn vịt nuôi công nghiệp; chất lượng trứng đảm bảo nên rất được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Đến nay, Đồng Tháp đã phát triển đàn vịt chạy đồng hơn 5 triệu con. Bình quân mỗi con vịt thịt cho lãi từ 10.000 - 20.000 đồng và vịt đẻ trứng cho lãi từ 80.000 - 100.000 đồng/con.
Vừa qua, Đồng Tháp cũng đã thí điểm mô hình nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học, cung cấp cho 3 huyện Cao Lãnh, Tam Nông và Tháp Mười hơn 14.000 con vịt giống siêu thịt Super M2. Mô hình này góp phần định hướng phát triển ngành hàng vịt theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh nhằm tạo ra sản phẩm thịt vịt chất lượng cao, nuôi vịt thịt theo hướng an toàn sinh học, tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.
Đồng Tháp cũng đang nỗ lực đưa ngành hàng vịt vào sản xuất ổn định thông qua tổ chức liên kết giữa các trang trại chăn nuôi - doanh nghiệp chế biến thức ăn - cơ sở chế biến; phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi vịt an toàn sinh học, nuôi vịt theo mô hình 2 lúa - 1 vịt. Như vậy, để hoàn thiện ngành hàng vịt theo hướng bền vững, tỉnh Đồng Tháp cần kêu gọi sự đầu tư của các doanh nghiệp đầu ngành về các lĩnh vực như: Con giống, thức ăn, giết mổ, chế biến, tiêu thụ, thuốc thú y... Khi chuỗi sản xuất được tổ chức tốt, chất lượng sản phẩm được đảm bảo thì việc xây dựng thương hiệu cho ngành hàng vịt trở nên thuận lợi.
Cần một chiến lược tổng thể
Tuy nhiên, những nỗ lực trên cũng chỉ là những bước đi đầu tiên khi còn 90% nông sản vẫn xuất thô. Theo báo cáo mới đây của Bộ NN&PTNT, mặc dù nhiều sản phẩm đã được biết đến rộng rãi ở thị trường trong nước và ngoài nước, đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý nhưng vẫn còn đến hơn 80% lượng nông sản của nước ta chưa được xây dựng thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác, đặc biệt các sản phẩm này được bán ra thị trường thông qua các thương hiệu nước ngoài. Đây là một bất lợi lớn, khiến sức cạnh tranh nông sản vùng ĐBSCL nói riêng, cả nước nói chung còn yếu và phải chịu nhiều thiệt thòi.
Du khách nước ngoài tham quan cơ sở sản xuất nước mắm đặc sản tại thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
|
Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc xây dựng thương hiệu nông sản diễn ra một cách chậm chạp. Vấn đề đầu tiên là chính sách vì đến nay chưa có một chương trình tổng thể về xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản chủ lực, làm căn cứ định hướng để các địa phương, doanh nghiệp vùng ĐBSCL xác định mặt hàng, thị trường làm thương hiệu.
Một vấn đề quan trọng nữa là hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ, hướng dẫn về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý còn nhiều bất cập, khó triển khai trong thực tiễn tại các địa phương. Việc đăng ký đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cũng như chỉ dẫn địa lý đã được các địa phương vùng ĐBSCL chú trọng nhưng hiệu quả từ việc đăng ký này chưa lớn vì trên thị trường ít thấy các nhãn hiệu mang tính tập thể này. Chỉ một số ít sản phẩm địa phương đã được chỉ dẫn địa lý có sức lan tỏa như nước mắm Phú Quốc.
Theo Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện nay đa số các khu vực có sản phẩm nông sản được chỉ dẫn địa lý đã thành lập hội, hiệp hội. Tuy nhiên, phần lớn các hiệp hội này vẫn còn lúng túng trong việc quản lý chỉ dẫn địa lý và chỉ đóng vai trò phối hợp chứ chưa thực sự làm chủ thể trong quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý. Do vậy, vấn đề đặt ra ở đây là cần có chính sách tổng thể của Nhà nước hỗ trợ thành lập các tổ chức tập thể, trong đó phải nhấn mạnh được vai trò của hiệp hội để đảm bảo có đủ năng lực để quản lý, đăng ký và bảo vệ phát triển nhãn hiệu chung (nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận).
Ông Lê Thanh Khiêm, Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang: Doanh nghiệp phải liên kết chặt chẽ với nông dân Để thương hiệu lúa nông sản của một quốc gia vững mạnh, bản thân mỗi doanh nghiệp phải tự xây dựng thương hiệu của chính mình, hoàn thiện từng bước trong quá trình tạo thương hiệu; trong đó nền tảng chính là sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với nông dân. Đối với doanh nghiệp lúa gạo, khi doanh nghiệp chế biến gạo có được nguồn nguyên liệu đạt chất lượng cao thì thương hiệu mới được tin dùng, lựa chọn và đứng vững. Để đạt được điều này, chính những nông dân phải nhận thức được rằng họ sản xuất ra sản phẩm đạt chất lượng cao mới được tiêu thụ, thu nhập ổn định, doanh nghiệp mới vững mạnh. Từ đó, thương hiệu gạo đó mới vươn ra thị trường thế giới được. |
Đồng thời chính sách tổng thể của Nhà nước cần giải quyết các vấn đề về quy hoạch, tài chính, hỗ trợ pháp lý, kỹ thuật, đào tạo nhân lực, môi trường, thông tin, quảng bá sản phẩm, sự phối hợp của các cơ quan có thẩm quyền... Cùng với đó là công tác bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý nói chung được đảm bảo thì sẽ giúp ích rất lớn cho nhà sản xuất, kinh doanh yên tâm sản xuất, không e ngại về hàng giả, hàng kém chất lượng.
Ngoài ra, nguyên nhân của việc chậm chạp trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng thương hiệu cho nông sản chủ lực là còn do việc tổ chức sản xuất theo quy hoạch chưa đạt mục tiêu đề ra. Một số địa phương của vùng tuy đã xác định được địa chỉ các vùng chuyên canh cho các sản phẩm thế mạnh nhưng quy mô diện tích còn nhỏ lẻ, manh mún, sản phẩm chưa đồng nhất, chưa thực sự có vùng chuyên canh đúng nghĩa. Trong đó có một vấn đề nổi cộm, có thể nói là một khó khăn lớn nhất của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL chính là yếu trong việc liên kết chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa nông sản.
Điều này cũng còn xuất phát từ một vấn đề do quy mô sản xuất của các doanh nghiệp nông nghiệp hiện nay chủ yếu vừa và nhỏ. Vì vậy rất cần các chính sách tín dụng, chính sách thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là các mặt hàng nông sản có thế mạnh của từng địa phương và phục vụ xuất khẩu theo hướng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã có thể tiếp cận nhanh chóng, dễ dàng các nguồn hỗ trợ.
Hướng phát triển bền vững
Các địa phương của vùng đang nỗ lực tổ chức sản xuất theo hướng phát triển công nghệ sinh học, áp dụng rộng rãi VietGAP, GlobalGAP trong sản xuất nông nghiệp, phát triển công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch để giảm thất thoát, nâng cao chất lượng nông, lâm, thuyủy sản và gia tăng giá trị của sản phẩm... làm nền tảng cho việc xây dựng thương hiệu. Do vậy, các địa phương vùng ĐBSCL tiếp tục tuyên truyền, thay đổi nhận thức để cần khắc phục tình trạng sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống, công nghệ lạc hậu. Đồng thời cần tăng cường các chính sách tích tụ ruộng đất, cơ chế tạo quỹ đất công, đất sạch để phục vụ công tác thiết lập các vùng sản xuất nông nghiệp, xây dựng các vùng chuyên canh hàng hóa, tạo ra sản phẩm đồng chất.
Nhà vườn ở huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang đang bọc quả xoài cát Hòa Lộc để tránh sâu bệnh, giúp vỏ quả có màu trắng xanh đẹp mắt.
|
Các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần phối hợp với các bộ, ngành, địa phương lớn trong cả nước tiếp tục thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đã có thương hiệu nhằm từng bước ổn định đầu ra cho sản phẩm nông sản. Chẳng hạn như chương trình kết nối cung cầu hàng hóa giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng Đông - Tây Nam Bộ được tổ chức từ năm 2012, đến nay qua 5 năm đã phát triển mạnh mẽ, tạo hiệu quả tích cực trong việc kết nối hai chiều, nâng cao hiệu quả lưu thông hàng hóa. Đây được xem là một trong những kênh hiệu quả để quảng bá thương hiệu nông sản chất lượng cao của vùng ĐBSCL.
Ông Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam: Đầu tư vào nghiên cứu khoa học còn thấp So với các nước như Ấn Độ, Thái Lan, đầu tư vào khoa học nông nghiệp của Việt Nam còn thấp. Tăng cường đầu tư vào nghiên cứu khoa học công nghiệp nhằm tạo ra nền nông nghiệp thông minh là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng nông sản Việt. |
Theo các chuyên gia, một vấn đề không kém phần quan trọng khác là hiện phần lớn lao động của vùng ĐBSCL chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật tốt, đa số xuất thân từ nông thôn, hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu dựa vào khả năng và kinh nghiệm mang tính truyền thống. Từ thực trạng này, cần có quy hoạch, phân luồng đào tạo chuyên môn và dạy nghề, đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực có trình độ tay nghề cao, cán bộ quản lý có năng lực để cung cấp cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất hay khu công nghiệp sản xuất hàng hóa chủ lực của vùng gắn với vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu.