Do đặc thù địa lý xa xôi, khó khăn nên việc phát triển kinh tế tại đây còn nhiều hạn chế. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp bộ Đoàn, các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng đoàn viên, thanh niên của Hoàng Su Phì đã nỗ lực, vươn lên lập thân, lập nghiệp với nhiều mô hình hay, sáng tạo, không chỉ đem về nguồn thu nhập ổn định cho bản thân, gia đình mà còn giúp tạo việc làm cho người dân địa phương, đoàn viên, thanh niên khác.
Là cơ quan bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho thanh niên, Huyện Đoàn Hoàng Su Phì đã phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, các đơn vị tổ chức tuyên truyền cho đoàn viên, thanh niên kiến thức về khởi nghiệp. Huyện Đoàn phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên tuyển sinh học viên tham gia lớp nghề nông nghiệp - phi nông nghiệp. 285 đoàn viên, thanh niên đã tham gia 10 lớp nghề tại trung tâm huyện và các xã.
Nhằm hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, Huyện Đoàn Hoàng Su Phì phối hợp với Văn phòng Tổ chức Plan tại Hà Giang triển khai Dự án sinh kế bền vững cho thanh niên dân tộc thiểu số trên địa bàn. Dự án được triển khai trong 3 năm, bắt đầu từ tháng 9/2021. Đến nay, 5 câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế đã được thành lập tại 5 xã vùng dự án với 150 thành viên. Các thành viên trong Câu lạc bộ thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, trao đổi kinh nghiệm về lao động, sản xuất, giống…
Là thanh niên người dân tộc, anh Hoàng Ngọc Hồi, xã Nậm Dịch, huyện Hoàng Su Phì nhận thức rõ khó khăn về điều kiện địa lý nơi quê nhà. Trái ngược với suy nghĩ của nhiều bạn trẻ là “bỏ làng ra phố”, anh quyết định lập nghiệp tại chính mảnh đất quê hương với mô hình sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ nguồn nguyên liệu tre trúc sẵn có tại địa phương.
Anh Hoàng Ngọc Hồi bày tỏ, sinh ra ở miền núi, anh được đi học và thấy tại địa phương có nhiều cây vầu, cây trúc nhưng bà con chỉ dùng để làm củi, rất lãng phí. Anh ấp ủ ý tưởng biến những thứ dân dã, quen thuộc ấy trở thành vật có giá trị hơn như sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tạo ra nguồn thu nhập cho bà con.
Khởi nghiệp từ năm 2019 đến nay, sau hơn 3 năm, những sản phẩm sản xuất từ cơ sở sản xuất của anh bước đầu được thị trường đón nhận. Mỗi năm, khoảng 60.000 - 80.000 sản phẩm cốc trúc, hàng ngàn bộ ấm chén và nhiều mặt hàng khác từ tre, trúc được xuất bán, đem về thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm. Qua đó, gia đình anh có nguồn thu nhập ổn định, thoát nghèo, kinh tế ngày càng nâng cao. Cùng với phát triển kinh tế cho gia đình, cơ sở của anh Hoàng Ngọc Hồi còn tạo việc làm cho khoảng 15 lao động thường xuyên, đa phần là các đoàn viên, thanh niên tại địa phương với mức thu nhập ổn định trên 6 triệu đồng/người/tháng.
Cũng là người trẻ khởi nghiệp ngay trên chính mảnh đất quê hương, anh Triệu Chiềm Phin, Bí thư Đoàn xã Nậm Khòa, huyện Hoàng Su Phì đã xây dựng, phát triển mô hình nuôi, thả cá thương phẩm.
Anh Phin chia sẻ, bắt đầu từ năm 2017, trên địa bàn xã, khách du lịch về tham quan mùa nước đổ và mùa lúa chín tương đối nhiều. Do đó, nhu cầu về thực phẩm có nguồn gốc từ địa phương khá lớn, anh đã mạnh dạn đầu tư ao rộng 2.000m2 để nuôi thả cá. Đến năm 2018, anh tiếp tục đầu tư nuôi thêm lợn thịt cung cấp thực phẩm cho các quán ăn trên địa bàn xã và các homestay, khách sạn, nhà nghỉ ở khu vực lân cận.
Nhờ nắm bắt tốt thị trường, chịu khó tìm tòi, học hỏi những tiến bộ mới trong sản xuất, chăn nuôi và được sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể, mô hình kinh doanh của anh Triệu Chiềm Phin bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế, giúp nâng cao thu nhập cho gia đình anh.
Để hỗ trợ các đoàn viên, Bí thư Huyện Đoàn Hoàng Su Phì Hoàng Đăng Linh cho biết, Huyện Đoàn thường xuyên chỉ đạo 100% đoàn viên các xã, thị trấn tham gia lớp tập huấn khởi nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật do Tỉnh Đoàn tổ chức nhằm trang bị thêm kiến thức về khởi nghiệp, tạo lập môi trường để thanh niên tham gia khởi nghiệp. Từ kiến thức lĩnh hội được, học viên tiếp tục tuyên truyền, vận dụng sáng tạo thực tế tại địa phương, đơn vị nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế gia đình, giải quyết việc làm.
Một trong những khó khăn lớn nhất của phong trào khởi nghiệp nói chung và ở các địa bàn miền núi nói riêng là việc tiếp cận nguồn vốn. Nhận thấy điều đó, Huyện Đoàn nỗ lực tổ chức hoạt động hỗ trợ đoàn viên. Riêng trong 9 tháng năm 2022, Huyện Đoàn hỗ trợ 3 mô hình của thanh niên được tiếp cận và vay từ nguồn vốn khởi nghiệp của huyện với giá trị 300 triệu đồng.
Đồng thời, thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, các tổ chức Đoàn trên toàn huyện đẩy mạnh tuyên truyền, nhiều đoàn viên, thanh niên tham gia giúp đỡ các hộ cải tạo vườn tạp bằng ngày công, cây giống, con giống. "Bên cạnh đó, nhiều hộ do thanh niên làm chủ đăng ký vay vốn, phát triển kinh tế hộ gia đình. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 33 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ cho doanh thu trên 600 triệu đồng", anh Hoàng Đăng Linh cho biết thêm.
Tuổi trẻ giúp nhau làm giàu, phát triển kinh tế ngay trên chính mảnh đất quê hương là mong mỏi của không ít thanh niên, tuy nhiên, để hiện thực hóa suy nghĩ, khát vọng đó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Ngoài việc tiếp cận được nguồn vốn, học hỏi, trau dồi kĩ năng, kinh nghiệm, đoàn viên, thanh niên cũng rất cần sự quan tâm, động viên, hỗ trợ kịp thời của các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là chỗ dựa vững chắc của thanh niên - các cấp bộ Đoàn.