Trong đó phải chú trọng mục tiêu thích ứng, do phòng chống, ngăn ngừa xói lở trên toàn bộ hệ thống sông nơi đây là không khả thi, vì đó là quy luật tự nhiên của dòng sông và những hệ quả của khai thác lưu vực.
Thực hiện ngay những giải pháp cấp bách
Nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Viện Địa lý Tài nguyên TP Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng, nếu làm tốt công tác cảnh báo và kiên quyết di dời người dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao, chắc chắn sẽ tránh được những thiệt hại to lớn về người và tài sản. Đơn cử như vụ sạt lở bờ sông nghiêm trọng tại xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang ngày 22/4/2017, làm 108 hộ dân buộc phải di dời khẩn cấp, thiệt hại khoảng 90 tỷ đồng.
Ngay từ bây giờ, các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long cần nhanh chóng tổ chức điều tra, khảo sát và đánh giá hiện trạng xói lở để cảnh báo hiệu quả hơn. Thông thường trước khi các vụ sạt lở xảy ra, sẽ có những dấu hiệu báo trước như hiện tượng nứt đất, lở đất ven sông theo lối nhỏ lẻ…Vì thế, khi phát hiện có các dấu hiệu này thì kịp thời di chuyển người và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm.
Mặt khác, cần tiến hành đo đạc những khu vực tồn tại hố sâu. Đây là những khu vực tiềm ẩn nguy cơ xói lở rất cao trong bối cảnh thiếu hụt phù sa như hiện nay. Các hố sâu thường xuất hiện tại các vị trí như ở nơi đoạn sông cong, nước đạp vào bờ phía lõm tạo hố sâu; bên dưới nơi hợp lưu của 2 dòng; nơi dòng chảy bị cù lao giữa sông tách ra làm 2 và hợp lại phía bên dưới; nơi dòng sông bị thắt nút cổ chai ở 1 bên hoặc 2 bên.
Ngoài việc di dời dân cư ra khỏi các khu vực tiềm ẩn nguy cơ xói lở bờ sông, chính quyền địa phương nên tăng cường công tác tuyên truyền để người dân và cộng đồng hạn chế những tác động bất lợi đến dòng chảy, như xây dựng các công trình trên sông và ven sông, nuôi cá bè làm thu hẹp dòng chảy, khai thác cát, sỏi…Đồng thời mở rộng mô hình “tổ dân cư tự quản dòng sông” được các hộ dân ở Hồng Ngự, Thanh Bình của tỉnh Đồng Tháp, nhằm ngăn chặn nạn “cát tặc”.
Các địa phương có chung dòng sông cần thống nhất trong việc quản lý khai thác và sử dụng dòng sông, nhất là khai thác tài nguyên nước, cát, sỏi và bố trí cơ sở hạ tầng ven sông. Trước mắt là tập trung quản lý chặt chẽ việc khai thác cát sông, sử dụng hành lang ven sông, ven rạch, kiên quyết xử lý di dời đối với các trường hợp lấn sông, kênh rạch, hành lang tiêu thoát nước…để trả dòng sông về trạng thái tự nhiên.
Những giải pháp căn cơ lâu dài
Từ kết quả nghiên cứu “Định hướng giải quyết vấn đề xói lở bờ sông vùng đồng bằng sông Cửu Long theo tiếp cận địa lý tổng hợp”, nhóm các nhà khoa học Viện Địa lý Tài nguyên TP Hồ Chí Minh đề xuất: Toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần có một bản quy hoạch chỉnh trị sông tổng thể, đặc biệt là các địa phương có chung dòng sông Tiền, sông Hậu. Vì chỉ có quy hoạch tổng thể mới xác định đúng những khu vực cần ưu tiên bảo vệ, những khu vực dành không gian cho dòng sông.
Mặt khác, quy hoạch tổng thể sẽ tránh được tình trạng “kè nơi này sạt lở nơi khác” do sự manh mún trong các công trình bảo vệ bờ sông của các địa phương. Trong công tác chỉnh trị sông, rạch phải gắn liền với quy hoạch sử dụng tài nguyên nước sông, cát, nước ngầm, cũng như quy hoạch lãnh thổ (bố trí dân cư, đô thị…). Với phương châm ưu tiên cho giải pháp phi công trình, chỉ xây công trình ở những nơi thật sự cần thiết bởi bất cứ công trình nào cũng có thời hạn nhất định và chi phí cho duy tu, sửa chữa rất cao.
Bên cạnh đó, trong quy hoạch chỉnh trị dòng sông cần có sự tham gia của nhiều bên (chính quyền, người dân và nhà khoa học). Trong đó các nhà khoa học phải là những chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, để hiểu đúng tầm quan trọng, ý nghĩa của động lực và biến thiên của dòng chảy, địa chất, nhằm đánh giá một cách tổng thể, xác đáng quá trình phát sinh, phát triển và trầm tích của dòng sông, dẫn đến xói lở bờ sông trong mối tương quan với vấn đề khác.
Việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính và dòng nhánh sông Mê Kông là rất khó đảo ngược. Do đó, cần phải tăng cường vai trò của Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam trong Ủy hội sông Mê Kông quốc tế (MRC) và Hợp tác Mê Kông - Lan Thương để có thông tin cần thiết, hạn chế tối đa đến những tác động bất lợi.
Việt Nam cần kiên trì xây dựng một cơ chế sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Kông, trong đó quyền và lợi ích của mỗi quốc gia phải đi đôi với trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cả lưu vực sông. Cơ chế này cần được quy định bằng một điều ước quốc tế.
Trước mắt nên có quy định về việc chia sẻ các số liệu thủy văn, cơ chế vận hành của đập thủy điện giữa các nước trong lưu vực, coi đây là một yêu cầu mang tính bắt buộc để quản lý tốt nguồn nước sông Mê Kông và các rủi ro từ biến đổi khí hậu.