Ai Cập khánh thành kênh đào Suez mới

Ngày 6/8, Ai Cập khánh thành kênh đào Suez mới sau một năm khởi công với nhiều kỳ vọng công trình này sẽ đem lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, một số chuyên gia hoài nghi về hiệu quả thực tế của dự án đối với nền kinh tế Ai Cập.

Tàu container chạy qua kênh Suez mới, đoạn qua thành phố cảng Ismailia, phía đông Cairo. Ảnh: AFP/TTXVN


Nhiều nhà lãnh đạo từ các nước láng giềng vùng Vịnh như Quốc vương Jordan Abdullah II và từ các nước phương Tây như Tổng thống Pháp Francois Hollande sẽ tham dự buổi lễ khánh thành. Theo đó, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah Al Sisi và các quan khách sẽ thị sát tuyến đường thủy mới trên du thuyền riêng của Tổng thống mang tên El-Mahroussa 150 năm tuổi đã được tân trang để phục vụ sự kiện đặc biệt này.

Kênh đào Suez mới được dự kiến ​​sẽ thúc đẩy nguồn thu ngoại tệ cho Ai Cập và được xem là dự án lớn hàng đầu của Tổng thống Al Sisi và chính phủ trong nỗ lực khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư sau hơn 4 năm biến động chính trị. Chỉ sau một tuần phát hành chứng nhận đầu tư bằng đồng bảng Ai Cập (LE) để huy động vốn mở rộng kênh đào, Cairo đã thu được số tiền lên tới 64 tỷ LE (tương đương 8,2 tỷ USD).

Bộ trưởng Đầu tư Ai Cập Ashraf Salman nhấn mạnh kênh đào Suez mới giúp giảm 7 giờ thời gian trung chuyển của tàu thuyền so với trước đây và cho phép tàu thuyền trọng tải lớn lưu thông bởi được nạo vét sâu 24 mét. Kênh đào mới được dự báo sẽ tăng thu ngoại tệ cho Chính phủ Ai Cập từ 5,3 tỷ USD năm 2014 lên 13,2 tỷ USD năm 2023. Ngoài ra, các dự án trung tâm công nghiệp và thương mại xây dựng xung quanh khu vực kênh đào mới sẽ mang lại thay đổi cho nền kinh tế của đất nước Kim tự tháp.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cho rằng xu hướng tăng trưởng thương mại thế giới không có khả năng thúc đẩy gia tăng mạnh mẽ trong hoạt động vận tải biển. Chuyên gia kinh tế cao cấp của Anh, William Jackson nhận xét những dự báo về cải thiện doanh thu từ kênh đào Suez là dựa trên những giả định lạc quan về thương mại thế giới.

Để Ai Cập đạt được mục tiêu doanh thu từ kênh đào mới, khối lượng thương mại toàn cầu cần phải tăng 9%/năm, cao hơn mức trung bình 3% trong 4 năm qua và cao hơn tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 7,5% trong thời kỳ bùng nổ từ 2003 - 2007. Do vậy, theo chuyên gia kinh tế này, Ai Cập khó có khả năng đạt được mục tiêu đặt ra là tăng gấp đôi doanh thu của Kênh đào Suez vào năm 2023.

TTXVN/Tin tức
Ý nghĩa dự án Kênh đào Suez thứ hai của Ai Cập
Ý nghĩa dự án Kênh đào Suez thứ hai của Ai Cập

Sự gia tăng năng lực kênh đào Suez cũng có nghĩa là nhiều hàng hóa có thể di chuyển với một tốc độ nhanh hơn tới các thị trường ở châu Âu, cũng như khu vực xuyên Đại Tây Dương - Bắc Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN