Anh để ngỏ khả năng đưa Đức và Pháp vào danh sách cách ly

Sau khi áp dụng quy định cách ly 14 ngày đối với những người đến từ Tây Ban Nha, giới chức Anh cho biết đang theo dõi chặt chẽ và liên tục đánh giá tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại các khu vực khác ở châu Âu, trong đó có Pháp và Đức.

Chú thích ảnh
Một trạm xét nghiệm COVID-19 lưu động ở Chessington, Anh, ngày 23/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Sky News khi được hỏi về khả năng đưa Đức và Pháp vào danh sách các nước cách ly bắt buộc, Quốc vụ khanh Bộ Y tế Anh Helen Whately nhấn mạnh chính phủ có thể phải hành động nếu tỷ lệ mắc COVID-19 gia tăng tại một quốc gia mà hiện Anh chưa áp đặt quy định cách ly y tế. Bà nhấn mạnh không thể mạo hiểm để virus SARS-CoV-2 lây lan một lần nữa trên toàn nước Anh.

Trước đó, ngày 25/7, Chính phủ Anh đã khuyến cáo người dân nước này không đến Tây Ban Nha, cũng như loại nước châu Âu này khỏi danh sách những địa điểm an toàn đối với hoạt động du lịch sau khi xuất hiện làn sóng bùng phát COVID-19 mới. Theo tuyên bố của Bộ Giao thông Anh, kể từ ngày 26/7, bất cứ công dân nào trở về sau kỳ nghỉ ở Tây Ban Nha sẽ đều phải tự cách ly. Những người Tây Ban Nha nhập cảnh vào Anh cũng sẽ bị yêu cầu cách ly.

Tây Ban Nha - vốn là địa điểm ưa thích của du khách Anh, cho biết quốc gia này vẫn an toàn cho du khách và đang cố thuyết phục Anh đưa đảo Balearic và Canary khỏi danh sách cách ly. Tuy nhiên, bà Whately cho rằng tỷ lệ mắc COVID-19 tại một số hòn đảo của Tây Ban Nha đang gia tăng và hiện hoạt động đi lại giữa các đảo và đất liền vẫn tiếp diễn. Vì vậy, Anh cần áp dụng một chính sách rõ ràng để bảo vệ người dân tốt nhất.

Trước đó, ngày 24/7 vừa qua, Na Uy thông báo sẽ áp dụng lại lệnh cách ly 10 ngày với người tới từ Tây Ban Nha, trong khi Pháp khuyến cáo người dân không tới vùng Catalonia của Tây Ban Nha.

Cùng ngày, Thủ hiến vùng Catalonia Quim Torra cho biết Catalonia sẽ áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan nếu tình hình không cải thiện trong vòng 10 ngày tới. Tuy nhiên, theo ông, các biện pháp này sẽ không nghiêm ngặt bằng các biện pháp được áp dụng trước đó. Ông Torra cảnh báo tại một số khu vực ở Catalonia, tỷ lệ nhiễm bệnh đã gần tương đương với con số trước khi Tây Ban Nha áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc vào tháng 3.

Trước đó, ngày 17/7, chính quyền Catalonia khuyến cáo 4 triệu người dân ở nhà và chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết. Chính quyền vùng cũng cấm các sự kiện tập trung hơn 10 người và giới hạn số người các nhà hàng và quán bar được phép tiếp nhận sau khi Catalonia ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng nhanh nhất ở Tây Ban Nha.

Tại Pháp, giới chức nước này đã ra lệnh giới nghiêm vào ban đêm tại các bãi biển ở khu nghỉ dưỡng Quiberon sau khi số ca mắc COVID-19 tại đây tăng nhanh. Theo lệnh trên, các công viên và khu vườn tại đây sẽ bị đóng cửa vào buổi tối nhằm ngăn chặn việc tập trung đông người, đặc biệt là giới trẻ. Tuần trước, Pháp cũng bắt buộc người dân đeo khẩu trang tại những địa điểm công cộng trong nhà, đồng thời cảnh báo có thể phong tỏa một phần nếu cần thiết. Trong khi đó, chính quyền tỉnh Bayern (Đức) cho biết sẽ dựng các điểm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại 2 nhà ga lớn nhất của tỉnh gồm thành phố Munich và Nuremberg, cũng như tại một số điểm trên các tuyến đường cao tốc.

Hà Anh (TTXVN)
Giai đoạn 'cảnh giác kiểm soát virus' của nước Anh 
Giai đoạn 'cảnh giác kiểm soát virus' của nước Anh 

Trải qua 7 tuần áp dụng lệnh phong tỏa cả nước, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố từ ngày 11/5, nước Anh đã bước vào giai đoạn mới của chiến dịch đối phó với đại dịch COVID-19. Khẩu hiệu cho người dân Anh trong giai đoạn mới là "cảnh giác, kiểm soát virus, cứu cuộc sống của chúng ta". 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN