Những cửa sổ bị thổi bay. Toà nhà rung chuyển. Vào lúc 1h30 sáng theo giờ địa phương ngày 26/2, cư dân ở al-Bukamal, một thành phố gần biên giới Syria-Iraq nghe thấy những âm thanh chói tai trong giấc ngủ. Một cư dân giấu tên nói với CNN rằng những vụ nổ này không giống với bất cứ thứ gì ông đã nghe trước đây.
Những gì ông ta có thể đã nghe thấy là âm thanh của 7 quả bom nặng 500 pound (gần 227kg) dội xuống một khu phức hợp gần biên giới.
Theo Lầu Năm Góc, khu phức hợp này được sử dụng bởi hai lực lượng dân quân thân Iran là Kata'ib Hezbollah và Kata'ib Sayyid Al-Shuhada.
Những hình ảnh vệ tinh trước và sau vụ tấn công, do Maxar Technologies, một công ty công nghệ không gian, vừa công bố, đã cho thấy sức tàn phá của những quả bom đó ghê gớm như thế nào.
Hình ảnh “trước” cho thấy một khu phức hợp, chỉ cách biên giới với Iraq khoảng 1/3 km, bao gồm khoảng một chục toà nhà lớn nhỏ khác nhau. Trong hình ảnh “sau”, hầu hết các toà nhà đã bị phá huỷ, chỉ còn lại bụi ở bên trong và xung quanh khu nhà đã bị cháy đen do các vụ nổ.
Chưa rõ chính xác có bao nhiêu dân quân thiệt mạng. Nhóm Kata'ib Hezbollah chỉ thừa nhận một người chết, trong khi các báo cáo khác cho rằng có khoảng 17-22 người thiệt mạng trong vụ không kích.
Lầu Năm Góc cho biết hành động quân sự này là nhằm đáp trả một loạt các cuộc tấn công bằng rocket và súng cối gần đây vào các vị trí của Mỹ và liên quân ở Iraq.
Vào ngày 15/2, một loạt rocket rơi trong khuôn viên sân bay quốc tế Erbil và các khu dân cư của thành phố, giết chết một nhà thầu và làm bị thương một số nhân viên Mỹ và dân thường Iraq.
Vùng Xanh ở Baghdad, nơi đặt Dại sứ quán Mỹ, cũng là mục tiêu thường xuyên của súng cối và tên lửa.
Nhóm Kata'ib Hezbollah đã nhiều lần phủ nhận bất kỳ sự liên quan nào đến các cuộc tấn công này và tiếp tục đưa ra tuyên bố tương tự vào ngày 26/2.
Trong khi đó, các quan chức Lầu Năm Góc nói với CNN rằng khu tổ hợp mà họ nhắm mục tiêu không liên quan đến các cuộc tấn công kể trên, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin trước đó lại khẳng định ông “tin tưởng” rằng nơi này đã được sử dụng bởi cùng lực lượng dân quân đã tấn công các lực lượng Mỹ và liên quân ở Iraq bằng rocket.
Các nhóm vũ trang Kata'ib Hezbollah và Kata'ib Sayyid Al-Shuhada chỉ là hai trong số vô số nhóm dân quân nổi lên trong cuộc chiến chống khủng bố IS (Nhà nước Hồi giáo) ở Syria và Iraq, lấp đầy khoảng trống do quân đội Iraq để lại.
Phóng viên CNN từng có nhiều thời gian theo chân một số nhóm dân quân khi họ đang trên đường chiến đấu ở phía bắc Baghdad vào năm 2015 và 2016 cho biết, một số được tổ chức tốt và kỷ luật, một số khác theo tư tưởng cấp tiến và dễ thay đổi. Các chỉ huy của những nhóm này không e ngại về sự hỗ trợ mà họ nhận được từ Iran.
“Vâng, chúng tôi tuyên bố với thế giới, chúng tôi có các cố vấn Iran” - Hadi Al-Amari, một chỉ huy cấp cao của Lữ đoàn Badr Iraq thân Iran nói vào năm 2015 tại chiến tuyến bên ngoài thành phố Tikrit, khi đó đang nằm dưới sự kiểm soát của IS. "Chúng tôi tự hào về họ và chúng tôi cảm ơn họ sâu sắc vì đã tham gia cùng chúng tôi”, Amari nói.
Kể từ đó, lực lượng dân quân Iraq do Iran hậu thuẫn ngày càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết, trong khi quan hệ giữa Washington và Tehran xấu đi đáng kể.
Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân dưới thời chính quyền Trump, áp đặt các lệnh trừng phạt ngày càng hà khắc hơn đối với Tehran, và có những thời điểm hai nước đã đứng bên bờ vực chiến tranh, rõ nhất là sau khi Mỹ ám sát Tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds của Iran và Abu Mahdi Al-Muhandis, một trong những thủ lĩnh của Lữ đoàn Badr và là người sáng lập nhóm Kata'ib Hezbollah, gần sân bay của Baghdad vào tháng 1/2020.
Giờ đây Mỹ đang ở trong tình thế mà họ muốn tuyên bố rõ rằng sẽ không chấp nhận thêm các cuộc tấn công của lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn vào các vị trí ở Iraq, nhưng cũng đồng thời muốn mở lại đối thoại với Iran.
Gửi đi thông điệp đó mà không đánh sập những cây cầu Washington đang cố gắng xây dựng tới Tehran sẽ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.
Cuộc không kích hôm 26/2 là hành động quân sự công khai đầu tiên của chính quyền Tổng thống Biden, khiến đây là chính quyền Mỹ thứ bảy liên tiếp sử dụng vũ lực ở Trung Đông.