Trong một tuyên bố, AstraZeneca nêu rõ hãng đã xem xét đánh giá sơ bộ về phân tích ban đầu và kết quả phù hợp với bản đánh giá tạm thời. Hãng này khẳng định sẽ công bố kết quả của các phân tích sơ bộ các cuộc thử nghiệm lâm sàng trong vòng 48 giờ tới.
Động thái này của AstraZeneca như nhằm trấn an nhà chức trách Mỹ sau khi Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia của Mỹ (NIAID) nghi ngại rằng AstraZeneca có thể đã gộp cả những thông tin cũ từ cuộc thử nghiệm đó, đưa ra đánh giá không toàn diện về mức độ hiệu quả của vaccine.
Hôm 22/3, AstraZeneca thông báo vaccine của công ty này có hiệu quả 79% trong việc ngăn ngừa COVID-19 trong thử nghiệm giai đoạn 3 ở Mỹ mà không phát hiện mối lo ngại nào về vấn đề an toàn.
Trước đó, AstraZeneca đã tiêm vaccine cho 32.449 tình nguyện viên, trong đó có 141 trường hợp có triệu chứng COVID-19. Tất cả những người này đều được tiêm 2 liều cách nhau 4 tuần hoặc nhiều hơn 4 tuần và đều chứng minh là tăng tỷ lệ hiệu quả.
Cùng ngày, Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) cho hay AstraZeneca cũng sẽ cung cấp cho cơ quan quản lý châu Âu dữ liệu cuộc thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa COVID-19 của hãng này tại Mỹ và để ngỏ khả năng điều chỉnh đánh giá về số mũi tiêm cần thiết nếu có thông tin mới.
Phát biểu trước Nghị viện châu Âu, người đứng đầu EMA Emer Cooke cho biết các cuộc thử nghiệm cho thấy mức độ hiệu quả cao hơn so với các cuộc thử nghiệm trước đó mà cơ quan này đã chứng thực. Bà Cooke cho biết thêm EMA sẽ điều chỉnh những đánh giá về số mũi tiêm vaccine nếu có bất kỳ thông tin mới nào liên quan.
Trước đó, do lo ngại về tính an toàn, ít nhất 13 nước châu Âu đã tạm dừng tiêm phòng bằng vaccine của AstraZeneca, khiến các chiến dịch tiêm chủng trên toàn EU chậm lại. Tuy nhiên, sau khi EMA "bật đèn xanh" sử dụng lại vaccine này hôm 18/3 vừa qua, một loạt nước châu Âu, trong đó có Đức, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Italy, CH Cyprus, Latvia và Litva, đã nối lại việc tiêm vaccine của hãng AstraZeneca.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng ủng hộ việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca, đồng thời kêu gọi các quốc gia duy trì việc triển khai tiêm chủng sau khi xem xét các báo cáo về hiện tượng đông máu ghi nhận ở một số trường hợp được tiêm vaccine.
Hiện tại, có 4 loại vaccine được cấp phép sử dụng tại châu Âu, gồm vaccine của Pfizer-BioNTech, Moderna, Oxford-AstraZeneca, và J&J.
Trong khi đó, tại châu Á, Indonesia đã triển khai việc phân phối vaccine của hãng AstraZeneca tại nước này bất chấp những quan ngại về việc liệu vaccine của hãng này có thích hợp hoặc được phép theo đạo Hồi hay không. Nước này đã bắt đầu phân bổ vaccine AstraZeneca tại 6 tỉnh, chỉ 1 tuần sau khi Hội đồng học giả Hồi giáo Indonesia, một tổ chức Hồi giáo chính tại nước này, cho rằng vaccine AstraZeneca chứa trypsin có nguồn gốc từ tủy lợn. Tuy nhiên, AstraZeneca đã khẳng định vaccine của hãng không chứa bất kỳ thành phần nào của lợn.
Ông Siti Nadia Tarmizi, một quan chức cấp cao của Bộ Y tế Indonesia, cho biết khoảng 100 chức sắc tôn giáo tại Đông Java đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của các hãng AstraZeneca và Sinovac và không có trường hợp nào phản đối tiêm vaccine của AstraZeneca.
Indonesia đã triển khai chương trình tiêm chủng quốc gia từ tháng 1 và đặt mục tiêu chủng ngừa cho 181,5 triệu người trong 1 năm. Nước này cũng đã đặt hàng mua hơn 426 triệu liều vaccine của các hãng Pfizer/ BioNTech, Novavax, AstraZeneca và Sinovac.