Đây là lần đầu tiên AstraZeneca tiết lộ doanh số bán hàng của một trong những loại vaccine ngừa COVID-19 hàng đầu thế giới hiện nay.
Theo thống kê, với triệu liều vaccine đã phân phối, AstraZenec thu về 275 triệu USD trong 3 tháng đầu năm nay, trong đó riêng châu Âu đạt 224 triệu USD, tại các thị trường mới nổi đạt 43 triệu USD và 8 triệu USD là doanh thu tại nhiều nước khác.
Tổng doanh thu của "gã khổng lồ" trong ngành dược này cũng tăng 15% lên 7,32 tỷ USD trong quý I vừa qua, chủ yếu nhờ doanh số bán hàng của các loại thuốc điều trị ung thư mới. Lợi nhuận ròng tăng gấp đôi lên 1,56 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Giám đốc điều hành (CEO) Pascal Soriot tuyên bố: “Chúng tôi đã đạt được những tiến bộ vững chắc trong quý đầu tiên của năm nay và tiếp tục thúc đẩy danh mục các loại thuốc đặc biệt”. Các loại thuốc mới đóng góp hơn một nửa doanh thu và tất cả các lĩnh vực đều ghi nhận sự tăng trưởng đáng khích lệ.
Thông tin ấn tượng về kinh doanh của AstraZeneca được công bố trong bối cảnh hãng này cũng gặp một số trục trặc liên quan đến vaccine ngừa COVID-19 như hiện tượng hiếm gặp cục máu đông sau khi tiêm hay vụ kiện của châu Âu. Ngày 26/4, Ủy ban châu Âu (EC) đã khởi kiện AstraZeneca vì vi phạm hợp đồng cung ứng vaccine ngừa COVID-19 và không đưa ra được một kế hoạch "đáng tin cậy" để đảm bảo chuyển giao vaccine cho liên minh đúng hạn, gây ảnh hưởng tới chiến dịch tiêm chủng của châu Âu.
AstraZeneca đã giao khoảng 50 triệu liều vaccine cho châu Âu vào cuối tháng 4, nhưng con số đó thấp hơn nhiều so với số lượng mà phía Brussels yêu cầu. Cụ thể, Liên minh châu Âu (EU) dự đoán AstraZeneca sẽ chỉ cung cấp được 100 triệu (trong tổng số 300 triệu) liều vaccine vào tháng 6.
Trong một phản ứng đầu tiên, AstraZeneca tuyên bố hành động pháp lý của EU là "không có cơ sở", đồng thời khẳng định sẽ kiên quyết bảo vệ quyền lợi của mình trước tòa án. AstraZeneca nhấn mạnh hãng đã tuân thủ hợp đồng cung ứng vaccine với EC. Theo CEO Soriot, AstraZeneca có thể phân phối 200 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 mỗi tháng kể từ tháng 4.