“Đáng lo ngại, cho đến nay, cuộc chiến trừng phạt không diễn ra tốt đẹp như mong đợi”, tờ báo Anh cho biết và nhấn mạnh hiệu quả của các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga sẽ là “chìa khoá” dẫn tới kết quả của chiến dịch quân sự của Moskva ở Ukraine.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga sẽ giảm 6% vào năm 2022 so với cùng kỳ năm ngoái, ít hơn nhiều so với mức giảm 15% mà các chuyên gia dự đoán hồi tháng 4. Ngoài ra, doanh thu bán năng lượng của nước này sẽ tạo ra thặng dư tài khoản vãng lai 265 tỷ USD trong năm nay, lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Hơn nữa, sau khủng hoảng, hệ thống tài chính của Nga đã ổn định và nước này đang tìm kiếm các nhà cung cấp mới cho một số mặt hàng nhập khẩu, bao gồm cả Trung Quốc.
Đồng thời, tạp chí Anh cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay – vốn bắt nguồn từ cuộc chiến trừng phạt – có thể kích hoạt một cuộc suy thoái ở châu Âu. Giá khí đốt ở châu lục này đã tăng thêm 20% trong tuần này. Giới chuyên gia nhận định tất cả những vấn đề trên đã cho thấy hậu quả trực tiếp của các biện pháp trừng phạt Nga.
Tờ báo cho rằng các hạn chế kinh tế Nga dường như là công cụ mới cho phép EU, Mỹ và các đồng minh thể hiện sức mạnh trên toàn cầu. Tuy nhiên, cuộc xung đột ở Ukraine đã bộc lộ những lỗ hổng của “vũ khí trừng phạt” đó.
“Một trong những lỗ hổng đó là thời gian chậm trễ. Chẳng hạn, việc ngăn Nga tiếp cận với công nghệ độc quyền của phương Tây có thể mất tới nhiều năm”, tờ Economist viết và cho rằng việc cô lập Nga khỏi các thị trường phương Tây chỉ có thể khiến Nga bị ảnh hưởng trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 năm.
Giới phân tích nhận định lỗ hổng lớn nhất của các biện pháp trừng phạt đó chính là lệnh cấm vận toàn bộ hoặc một phần đã bị trên 100 quốc gia chiếm 40% GDP thế giới không ủng hộ. Tờ báo cho rằng một nền kinh tế toàn cầu hóa vẫn có khả năng thích ứng tốt với các cú sốc và biến điều đó trở thành cơ hội, đặc biệt khi hầu hết các quốc gia không muốn thực thi chính sách của phương Tây.