WHO đã từng lạc quan về khả năng kiểm soát dịch bệnh Ebola, bùng phát hồi tháng 8/2018 ở miền Đông CHDC Congo, do sử dụng rộng rãi một loại vaccine mới. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, giới chức WHO thừa nhận rằng tình hình an ninh bất ổn tại khu vực miền Đông, nguồn tài chính eo hẹp và sự lôi kéo của chính khách địa phương trong vấn đề Ebola đã khiến người dân quay lưng lại với nhân viên y tế, qua đó ảnh hưởng tới nỗ lực khống chế dịch bệnh của WHO.
Phát biểu với báo giới tại Geneva, Thụy Sĩ, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp thuộc WHO Michael Ryan nói: "Chúng tôi đang đối phó với tình hình khó khăn và diễn biến phức tạp. Chúng tôi dự đoán nguy cơ virus Ebola tiếp tục lây lan với tốc độ nhanh".
Tính đến ngày 1/5/2019, đã có 1.510 trường hợp nhiễm Ebola tại tỉnh Bắc Kivu và Ituri của CHDC Congo, trong đó đã có 994 trường hợp tử vong. Theo ông Ryan, con số tử vong có thể vượt 1.000 người trong báo cáo cập nhật sắp tới của WHO.
Sự xuất hiện của nhiều nhóm nổi dậy tại tỉnh Ituri và Bắc Kivu trong một thời gian dài đã khiến các nhân viên y tế gặp khó khăn trong việc tiếp cận tới những người được cho là có tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Ebola. Ngoài ra, các cộng đồng dân cư nơi đây hiện bị các chính khách địa phương lôi kéo bất hợp tác với các nhân viên y tế kể từ sau các cuộc bầu cử hồi tháng 12/2018 ở nước này.
Ngày 1/8/2018, giới chức y tế CHDC Congo đã buộc phải tuyên bố đợt dịch Ebola thứ 10 trong 40 năm qua tại nước này, với "tâm bão" là tỉnh Bắc Kivu (phía Đông Bắc) và ở khu vực giáp ranh với tỉnh Ituri. Đây là được đánh giá là đợt dịch Ebola nghiêm trọng thứ hai trên phạm vi toàn cầu, sau đại dịch 2014 - 2016 cướp đi sinh mạng của trên 11.000 người ở Tây Phi.