Bê bối vắcxin giả ở 24 tỉnh thành Trung Quốc

Ít nhất 300 nghi can có liên quan trong vụ bê bối buôn lậu vắcxin trị giá 570 triệu Nhân dân tệ tại 24 tỉnh thành của Trung Quốc. Con số này cho thấy quy mô của đường dây buôn lậu vắcxin ở Trung Quốc có thể còn lớn hơn thế.

Bệnh nhi tiêm phải vắc xin giả rất có thể gặp phản ứng phụ hoặc tử vong.

Ngày 20/3, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm tỉnh Sơn Đông công bố thông tin chi tiết về 300 nghi can mua hoặc bán vắcxin trị giá 570 triệu NDT (khoảng 87,8 triệu USD) từ hai nghi can chính của vụ việc là hai mẹ con một dược sĩ họ Pang.

Theo Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), bà mẹ Pang, một cựu dược sĩ 47 tuổi, và con gái là Sun, tốt nghiệp ngành dược, đã bị cảnh sát bắt giữ hồi năm ngoái với tội danh kinh doanh vắcxin bất hợp pháp và đang chờ xét xử. Họ bị buộc tội buôn lậu số lượng lớn 25 loại vắcxin, cho cả người lớn và trẻ em, từ năm 2010. Trong số đó có vắcxin cúm, thủy đậu, viêm gan A, viêm màng não và vắcxin bệnh dại, có thể không có hiệu quả và khiến người sử dụng bị suy gan.

Vắc xin trong quá trình vận chuyển không được bảo quản lạnh đúng quy tắc ở nhiệt độ từ 2-8 độ C có thể mất đi tác dụng.


Người dân Trung Quốc đã bộc lộ sự giận dữ trước thông tin về bê bối buôn lậu vắcxin được “phanh phui” ở tỉnh Sơn Đông. Ngày 21/3, thông tin về một bé trai tử vong sau khi tiêm vắcxin càng khiến dư luận càng phẫn nộ hơn nữa, mặc dù giới chức Trung Quốc khẳng định vụ việc không liên quan tới bê bối ở Sơn Đông. 

Mặc dù hai mẹ con nghi can nói trên, liên quan tới đường dây buôn lậu vắcxin, bị bắt giữ từ tháng 4 năm ngoái nhưng phải đến ngày 18/3 vừa qua giới chức Trung Quốc mới kêu gọi các nhà cung cấp trình diện để ngăn chặn những vụ việc vắcxin giả bị bán ra làm hại sức khỏe người dân. Điều này khiến cho người dân vô cùng phẫn nộ và lên tiếng thắc mắc về sự trì hoãn này.

Hiện chưa có lời giải thích chính thức nào về lý do tại sau hầu hết nghi can vẫn được tự do mặc dù hai mẹ con nghi can Pang và Sun đã bị bắt giữ hồi tháng 4 năm ngoái và cảnh sát ở Tế Nam, Sơn Đông đã gửi thư tới 20 tỉnh thành nhằm phối hợp điều tra vào mùa hè năm 2015.

Nhằm trấn an dư luận, giới chức y tế thành phố Bắc Kinh ngày 19/3 cho hay tất cả vắcxin được bán tại các trung tâm y tế theo quy định là “an toàn” vì chúng đều được đăng ký và vận chuyển hợp lệ.

Cựu dược sĩ Pang từng làm việc tại bệnh viện ở Hà Trạch, Sơn Đông. Đối tượng này cũng tự tay điều hành một cơ sở bán vắcxin. Pang được nhiều người biết đến nhờ mối quan hệ thân thiết với các hãng dược phẩm Trung Quốc. Theo các báo cáo của truyền thông địa phương, năm 2009, Pang được cho hoãn 3 năm thi hành án bán vắcxin bất hợp pháp. Tuy nhiên bà ta tiếp tục công việc kinh doanh này. Đến năm 2014, Pang đã lôi kéo cả con gái mình là Sun, tốt nghiệp trường dược nhưng chưa tìm được việc, tham gia thị trường “vắcxin đen”.

Theo trang thông tin địa phương Dzwww.com, giới chức y tế tỉnh Sơn Châu đang truy lùng manh mối các nghi can, và chia sẻ thông tin với 23 tỉnh thành có liên quan tới đường dây buôn lậu vắcxin gồm An Huy, Bắc Kinh, Phúc Kiến, Cam Túc, Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu, Hà Bắc, Hà Nam, Hắc Long Giang, Hồ Bắc, Cát Lâm, Giang Tô, Giang Tây, Trùng Khánh, Chiết Giang, Tứ Xuyên, Thiểm Tây, Sơn Tây, Sơn Đông, Hồ Nam, Liêu Ninh, Nội Mông và Tân Cương. Theo báo cáo, 6 nghi can đã bị bắt giữ và 10 người khác cũng bị bắt để điều tra hình sự ở Nội Mông, Hà Nam, Hà Bắc và Sơn Đông.

Trần Minh (Theo SCMP, BBC)
Nhà hàng Triều Tiên ế ẩm vì lệnh cấm
Nhà hàng Triều Tiên ế ẩm vì lệnh cấm

Nhà hàng Triều Tiên tại Trung Quốc, Thái Lan, UAE... luôn là địa điểm dừng chân độc, lạ với các du khách Hàn Quốc tò mò về người hàng xóm “gần mà xa” và cũng là nguồn thu ngoại tệ hữu hiệu của Bình Nhưỡng nhưng sau khi lệnh trừng phạt được thắt chặt trong thời gian gần đây thì những địa điểm này đang lâm vào cảnh đìu hiu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN