Một vụ nổ làm bừng sáng bầu trời đêm, khiến ngọn lửa bốc cao hàng chục mét. Một vụ nổ lớn khác diễn ra sau đó vài giây, rồi đến vụ nổ tiếp theo. Những tiếng nổ vang xa hàng km trên những cánh đồng ở phía đông Chasiv Yar pha trộn với tiếng rít của máy bay phản lực, theo tường thuật của tờ Wall Street Journal ngày 23/4.
Máy bay Nga đang tấn công thành phố phía đông Ukraine này – hiện là mục tiêu chính của Moskva ở Ukraine – bằng bom lượn. Trong khi đó, các lực lượng Ukraine, bị áp đảo về vũ khí và quân số, đang nỗ lực duy trì quyền kiểm soát Chasiv Yar đủ lâu để vũ khí mới được chuyển đến từ Mỹ.
Nằm trên sườn núi nhìn ra Bakhmut, thành phố phía đông Ukraine mà Nga đã giành quyền kiểm soát vào năm ngoái sau trận giao tranh ác liệt, Chasiv Yar là một mục tiêu chiến lược tiếp theo có giá trị. Nếu Ukraine mất thành phố này, các thành trì còn lại của Kiev ở khu vực phía đông Donetsk sẽ trở thành mục tiêu hàng đầu cho một cuộc tấn công dự kiến của Nga vào mùa hè này.
“Đó là một điểm cao. Nếu đối phương chiếm được Chasiv Yar, họ sẽ có quyền kiểm soát hỏa lực nhằm vào Druzhkivka, Kramatorsk và Kostyantynivka”, Yury Fedorenko, chỉ huy Tiểu đoàn máy bay không người lái tấn công Achilles thuộc Lữ đoàn tấn công 92 của Ukraine, đang hoạt động xung quanh Chasiv Yar cho biết khi liệt kê ba trong số những khu định cư lớn nhất trong khu vực vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine.
Cứ mỗi đợt pháo binh Ukraine khai hỏa, Nga đáp lại gấp 10 lần về số lượng và binh sĩ Ukraine trong khu vực cho biết tỷ lệ đó ngày càng tệ hơn. Ở tiền tuyến trải dài qua những cánh đồng và làng mạc phía đông Chasiv Yar, quân Nga vẫn đang tiến lên, áp sát rìa phía đông của Chasiv Yar.
Bên trong Chasiv Yar, các lực lượng Nga đang tấn công những công sự mà binh sĩ Ukraine có thể ẩn náu, chiến lược tương tự mà Nga đã sử dụng ở Bakhmut ngoại trừ bom lượn đang cho phép họ thực hiện điều đó nhanh hơn nhiều ở Chasiv Yar.
Mick Ryan, chiến lược gia quân sự và Thiếu tướng quân đội Australia đã nghỉ hưu, cho biết: “Bom lượn có sức tàn phá khủng khiếp, ngay cả trong khu vực được phòng thủ kiên cố”.
Tấn công, như lực lượng Nga đang làm hiện nay, luôn khó khăn hơn phòng thủ. Để tới Chasiv Yar, các đơn vị Nga sẽ phải băng qua một con kênh chạy qua phía đông thành phố, sau đó tiến lên một ngọn đồi dốc.
Số vũ khí mà Mỹ sẵn sàng cung cấp sẽ mang lại cho Ukraine cơ hội tốt hơn để duy trì quyền kiểm soát. Quốc hội Mỹ ngày 23/4 đã thông qua dự luật hàng tỷ USD viện trợ cho Ukraine, và một khi Tổng thống Biden ký, đạn pháo có thể được chuyển đến Ukraine trong vài ngày tới.
Các hệ thống phòng không bổ sung có khả năng đánh chặn các máy bay phản lực bắn bom lượn của Nga - những quả bom hạng nặng thời Liên Xô mà Moskva đã cải tiến bằng cách bổ sung các cánh và hệ thống định vị vệ tinh để chúng có thể được phóng từ xa hơn thay vì thả rơi.
Nhưng quân đội Ukraine phải đối mặt với những vấn đề khác mà viện trợ của Mỹ không thể giải quyết được.
Lực lượng Ukraine đang kiệt quệ sau nhiều tháng chiến đấu không ngừng nghỉ, và Kiev đang thiếu nhân lực để triển khai thay thế họ. Kết quả là, việc triển khai bổ sung ở mặt trận được cho là kéo dài 5 ngày có thể lên tới 10 hoặc 15 ngày. Trong thời gian đó, binh sĩ Ukraine có thể hết lương thực, nước uống và thuốc men.
Theo các quan chức Ukraine, khoảng 700 dân thường vẫn còn ở lại thành phố, giảm so với dân số 12.000 người trước xung đột.
Quân đội Ukraine, các chỉ huy quân sự nước này đều nói rằng nhiều vấn đề của họ sẽ được giải quyết một khi kho đạn pháo được bổ sung. Họ nói rằng với sự yểm trợ của pháo binh nhiều hơn, thương vong sẽ giảm đi, điều này sẽ giúp giảm bớt tình trạng thiếu nhân lực.
Tuy nhiên, các nhà phân tích quân sự cho rằng chiến đấu để giữ thành phố, như Ukraine đã làm với Bakhmut trong nhiều tháng năm ngoái, dù sao cũng sẽ phải trả giá. Thiếu tướng quân đội Australia đã nghỉ hưu Ryan nói về các nhà lãnh đạo Ukraine: “Họ sẽ phải đưa ra một số quyết định chính trị khó khăn: Tiếp tục nỗ lực kiểm soát Chasiv Yar hoặc từ bỏ để bảo toàn nhân lực và mạng sống của binh sĩ. Đây chính là thế khó mà họ đang gặp phải”.