Sau sự sụp đổ của IS, hiện có khoảng 12.000 tay súng bị phân chia và giam giữ trong 7 nhà tù “ác mộng” rải rác tại khu vực Tây Bắc Syria nằm trong quyền kiểm soát của người Kurd.
Ít nhất 1/3 tù nhân là công dân nước ngoài và Chính phủ Mỹ đang hối thúc các nước nhận những tù nhân này về nước. Tuy nhiên, các quốc gia lại tỏ vẻ chần chừ không chào đón phần tử cực đoan hồi hương.
Trong một không gian nhỏ bé chật chội, hàng trăm tù nhân chen lấn tìm chỗ nằm. Với diện tích nhỏ, phòng giam ngột ngạt ban ngày nhưng lạnh tê tái trong đêm không có chỗ để một tù nhân nằm thẳng.
Tất cả tù nhân bị giam giữ trong các trại giam đều phải mặc bộ áo liền quần màu cam – bộ đồ tương tự mà các nạn nhân hay phải mặc trong nhiều đoạn băng hành quyết trước đây.
Các tù nhân ở đây lên tiếng đòi quyền lợi. Một người đàn ông Kenya hét lên: “Chúng tôi có quyền được đưa ra xét xử - ít nhất hãy cho chúng tôi điều đó”.
Trong khi đó, một công dân Canada không giấu nổi giọt nước mắt chia sẻ: “Chúng tôi không có quyền, không có tòa án, không biết gì về số phận của mình”.
Rất nhiều trong số các tù nhân, có cả trẻ em, biểu tình cho rằng mình vô tội. Chưa một ai được xét xử hay bị phán quyết có tội. Họ bày tỏ mong muốn được quay lại quê hương mình, chí ít cũng phải bị xét xử ở đó.
Năm năm trước, Aseel Muthana (21 tuổi) - một công dân Anh – đi cùng anh trai tới Syria để gia nhập IS. Anh trai hắn từng xuất hiện trong một video tuyên truyền của IS chiêu mộ các phần tử cực đoan phương Tây. Giờ đây, ngồi trong trại giam không biết số phận ra sao, Aseel Muthana cầu xin được trở về Anh, nói rằng mình bị lừa gia nhập tổ chức khủng bố.
Cô dâu thánh chiến - Tooba Gondal (25 tuổi) - rời bỏ London 3 năm trước đến Syria gia nhập IS. Trở thành góa phụ, cô cùng các con bị bắt về trại tị nạn Ayn Issa.
Mặc dù có những từ ngữ xúc phạm nước Anh và ca ngợi các cuộc tấn công khủng bố ở Paris, Gondal vẫn lên tiếng cầu xin: "Chúng tôi đang sống trong điều kiện cực khổ. Tôi muốn đối mặt với công lý tại tòa án nước Anh. Tôi muốn chuộc lỗi bản thân. Tôi muốn nước Anh chấp nhận lời xin lỗi của tôi và cho tôi một cơ hội khác”.
Trước đây, nhiều lần lực lượng người Kurd Dân chủ Syria (SDF) và Mỹ lên tiếng về thái độ chần chừ không cho phép hồi hương và khởi tố các tay súng thánh chiến châu Âu tại Trung Đông. Gần đây nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo khoảng 2.500 tay súng thánh chiến mà Mỹ và quân đồng minh bắt được tại Syria và Iraq sẽ sớm trở lại châu Âu trong trường hợp Liên minh châu Âu (EU) không tự nhận về.
“Tính đến thời điểm hiện tại, chúng ta bắt giữ hơn 10.000 tên – chúng ta có khoảng 2.500 tay súng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng muốn châu Âu nhận về… Nếu họ không nhận, chúng ta có lẽ sẽ phải trả tự do cho các tay súng đó”, Tổng thống Trump nói trước các phóng viên tại khuôn viên Nhà Trắng ngày 1/8.
Mặc dù vậy, lời cảnh báo của Tổng thống Trump vẫn không nhận được tín hiệu lạc quan từ EU. Trong khi một số quốc gia to ra bất ngờ thì Đức bày tỏ lo ngại về tính pháp lý đối với động thái trên và Đan Mạch từ chối hoàn toàn.