Những ông chồng này phải làm việc quần quật 7 ngày trong tuần, ban ngày họ lao động cực nhọc tại công trường xây dựng, đến tối lại phải thực hiện nhiệm vụ của "người giúp việc" tại nhà.
Khi đặt chân đến Hong Kong (Trung Quốc), nhiều nam giới đã vỡ mộng về cuộc hôn nhân sắp đặt của họ. Ảnh: SCMP |
Anh Shahid Sandhu (34 tuổi) người Pakistan đã làm rể tại Hong Kong (Trung Quốc) được 4 năm, thổ lộ với phóng viên tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng rằng đôi khi gia đình nhà vợ bạo hành anh cả về thể xác lẫn tinh thần qua đòn roi và lời lẽ mắng nhiếc nếu anh có dấu hiệu mệt mỏi và không tuân lệnh.
Gia đình nhà vợ còn tịch thu hết tiền của Sandhu, không cho anh thức ăn và đôi khi còn đe dọa giết chết người đàn ông Pakistan này.
Sandhu hoàn toàn nhận thức được rằng hành động của gia đình vợ là sai trái và phạm pháp nhưng tháng ngày bị bạo hành đã khiến anh chùn bước. Sandhu còn phải đối mặt với trầm cảm, ác mộng, quá sợ hãi và xấu hổ để lên tiếng.
Câu chuyện của Sandhu tưởng chừng xảy ra trong thời kỳ sơ khai từ rất lâu nhưng trên thực tế là trường hợp của xã hội hiện đại tại một trong những nơi phát triển nhất trên thế giới là Hong Kong (Trung Quốc). Điều đáng nói là Sandhu không phải trường hợp duy nhất.
Những người như Sandhu trở thành "con mồi" của gia đình thông gia, với những hứa hẹn về đổi đời ở nơi xa và khả năng kiếm được tiền để gửi về gia đình quê nhà họ.
Một khi đặt chân đến Hong Kong (Trung Quốc), những người đàn ông này đã không dám lên tiếng tố cáo điều đã xảy ra với họ bởi xấu hổ, sự tách biệt, sợ hãi gia đình của họ ở quê nhà sẽ bị trả thù... Các nhà hoạt động gọi những người đàn ông này là "chú rể nô lệ".
Kỳ vọng lớnÁc mộng của Sandhu bắt đầu khi một bà mối tiếp cận anh và đề xuất về việc cưới một phụ nữ Pakistan sinh ra tại Hong Kong (Trung Quốc). Những lời có cánh về sự giàu có của gia đình người phụ nữ Pakistan ở Hong Kong (Trung Quốc) trở thành "mật rót vào tai" Sandhu và cha mẹ của anh - những người nông dân nghèo tại vùng Punjab.
Khi đó Sandhu đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành thương mại và có công việc được kính trọng tại một ngân hàng ở Pakistan nhưng mức lương lại khiêm tốn do vậy viễn cảnh về cuộc sống thoải mái tại Hong Kong (Trung Quốc) được coi như bảo đảm về tài chính cho cha mẹ anh. Sandhu làm lễ cưới tại Pakistan và vài tháng sau đó anh đến Hong Kong (Trung Quốc).
Ngay lập tức, gia đình vợ "tịch thu" hộ chiếu và giấy tờ tùy thân của Sandhu rồi tuyên bố rằng anh sẽ phải làm việc tại công trường xây dựng 6 ngày/tuần để kiếm tiền. Ngày còn lại trong tuần và tất cả các buổi tối, Sandhu phải làm việc nhà. Bất cứ khi nào lên tiếng phàn nàn, anh sẽ bị đánh đập hoặc chửi mắng.
Giống như nhiều người đàn ông cùng cảnh ngộ khác Sandhu không dám đến trình báo cảnh sát bởi lo ngại bị trục xuất và xấu hổ.
Nhiều người "chồng nô lệ" buộc phải làm việc cực nhọc trên các công trường xây dựng. Ảnh: AFP |
Một trường hợp khác là anh Karamjit Singh (28 tuổi) người Moga, Ấn Độ. Karamjit đã kết hôn vào năm 2012 tại quê nhà với người vợ Ấn Độ sinh ra tại Hong Kong (Trung Quốc).
Đến năm 2013, Karamjit đến Hong Kong (Trung Quốc), tại đây gia đình vợ bắt anh phải làm việc tại công trường xây dựng vào ban ngày và nhận công việc bảo vệ trong buổi tối. Khi bất bình, bố vợ và anh vợ sẽ dùng giày cao gót để đánh Karamjit, điều này đã gây tổn hại tới danh dự của người đàn ông Ấn Độ này.
Bế tắcNghị định thư Palermo của Liên Hợp Quốc từng định nghĩa buôn người là việc sử dụng vũ lực hoặc lừa dối để kiểm soát người khác cho mục đích bóc lột.
Ông Nurul Qoiriah, người đứng đầu văn phòng Tổ chức Di cư Quốc tế của Liên Hợp Quốc tại Hong Kong (Trung Quốc) nhận định: "Những kẻ buôn người có thể sử dụng nhiều phương thức để ngăn nạn nhân tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài, bao gồm đe dọa trả thù người thân của nạn nhân và cách ly".
Trong khi đó, Cục quản lý xuất nhập cảnh Hong Kong (Trung Quốc) xác nhận chưa từng có dữ diệu về những trường hợp bị lừa đến đặc khu hành chính này qua hôn nhân.
Nhiều người vì xấu hổ đã giấu đi bi kịch của bản thân. Ảnh: AFP |
Bà Sandy Wong, chủ tịch Ủy ban Phòng chống Buôn người thuộc Hội nữ luật sư Hong Kong nhận định rằng chính quyền đặc khu hành chính này cần sửa đổi và thắt chặt luật đối với mọi hình thức buôn bán người.
Và tình trạng này không chỉ xảy ra với nam giới mà cả nữ giới. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn lời một nhà tâm lý học cho biết những chú rể và cô dâu nô lệ thường mắc phải chứng rối loạn stress sau sang chấn.
Cục quản lý xuất nhập cảnh Hong Kong (Trung Quốc) trong năm 2016 đã phối hợp với Pakistan và Bangladesh để xử lý vấn đề buôn người sau khi số lượng người nhập cư không có giấy tờ từ Nam Á tăng vọt tại đặc khu hành chính này.
Đã có đề xuất về việc lập đường dây nóng tại Hong Kong với người vận hành biết ngôn ngữ của các quốc gia Nam Á. Bên cạnh đó là việc sắp xếp tư vấn viên cho những cặp đôi sắp cưới có nửa kia là người nước ngoài để giúp họ biết thêm thông tin về cuộc sống tại Hong Kong.
Tuy nhiên, điều khó khăn lại hiện hữu từ trong tư tưởng của những người trong cuộc. Sandhu không muốn phải đối mặt với sự tủi nhục khi quay trở lại quê nhà. Để bảo vệ danh dự gia đình, anh quyết định chấp nhận nín nhịn cuộc sống bi kịch tại Hong Kong.