Các nhà nghiên cứu từ Đại học Cambridge, Đại học East Anglia và Trường Nghiên cứu Phương Đông và châu Phi (SOAS University of London) đã xem xét một "kịch bản thực tế" được gọi là RCP 8.5. Theo kịch bản này, lượng khí thải CO2 và các chất gây ô nhiễm khác tiếp tục tăng trong những thập kỷ tới.
Sau đó, họ xem xét tác động tiêu cực có thể xảy ra của việc nhiệt độ và mực nước biển tăng, cùng các tác động khí hậu khác đối với nền kinh tế và tài chính của các quốc gia có thể ảnh hưởng đến xếp hạng tín nhiệm của họ ra sao.
Báo cáo công bố ngày 18/3 cho biết 63 nước sẽ bị hạ cấp khoảng 1,02 bậc vào năm 2030 do các vấn đề gây ra bởi biến đổi khí hậu. Con số trên sẽ tăng lên 80 nước với mức hạ cấp trung bình 2,48 bậc vào năm 2100.
Các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bao gồm Trung Quốc, Chile, Malaysia và Mexico. Đây là nhóm có thể tụt tới 6 bậc xếp hạng vào cuối thế kỷ này. Nhóm gồm Mỹ, Đức, Canada. Australia, Ấn Độ và Peru có thể bị hạ 4 bậc vào cùng giai đoạn.
Báo cáo nhấn mạnh hầu như tất cả các quốc gia, dù giàu hay nghèo, vùng ôn đới hay nhiệt đới, đều sẽ bị tụt hạng nếu mức phát thải CO2 hiện tại được duy trì.
Cũng theo báo cáo nghiên cứu, việc hạ bậc xếp hạng thường làm tăng chi phí đi vay của các quốc gia trên thị trường quốc tế. Vì vậy, sự tụt hạng do biến đổi khí hậu gây ra sẽ khiến khoản thanh toán nợ hàng năm của các quốc gia tăng thêm 137 - 205 tỷ USD vào năm 2100.
Trong một kịch bản thay thế có tên “RCP 2.6” với thiết lập giả định là lượng khí thải CO2 giảm về 0 vào năm 2100, tác động của biến đổi khí hậu đối với mức xếp hạng trung bình sẽ chỉ hơn một nửa bậc và tổng giá trị khoản thanh toán nợ bổ sung sẽ chỉ khiêm tốn ở mức 23 - 34 tỷ USD.
Đối với các công ty, do chi phí đi vay của họ thường định theo chi phí của các quốc gia nới họ hoạt động, tổng giá trị khoản thanh toán nợ hàng năm của các công ty này được dự báo sẽ tăng 35,8 - 62,6 tỷ USD vào năm 2100 trong kịch bản phát thải cao hơn và 7,2 - 12,6 tỷ USD trong kịch bản thấp hơn.