Theo kênh CNN, các nhà nghiên cứu tại Nhật Bản đã phát hiện ra rằng biến thể BA.2 có thể mang những đặc điểm khiến nó gây bệnh nặng giống như các chủng trước đó của virus SARS-CoV-2, bao gồm cả Delta. Phát hiện đã được đăng tải trên nền tảng bioRxiv hôm 17/2, trước khi được đánh giá ngang hàng.
Giống như phiên bản gốc của Omicron, biến thể BA.2 dường như có khả năng vượt qua rào chắn miễn dịch do vaccine tạo ra. BA.2 cũng có khả năng kháng một số phương pháp điều trị, bao gồm sotrovimab, kháng thể đơn dòng hiện đang được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân nhiễm Omicron.
Nghiên cứu mới cho thấy BA.2 có thể tự sao chép trong tế bào nhanh hơn BA.1, phiên bản gốc của Omicron. Nó cũng nổi trội hơn trong việc liên kết các tế bào dính lại với nhau. Điều này cho phép BA.2 tạo ra các khối tế bào lớn hơn BA.1, được gọi là hợp bào. Điều đó rất đáng lo ngại vì những khối tế bào này sau đó sẽ trở thành “nhà máy” tạo ra nhiều bản sao virus hơn. Delta cũng có khả năng tạo ra hợp bào rất hiệu quả. Giới chuyên gia cho rằng đây là một lý do khiến biến thể này tàn phá phổi nghiêm trọng.
Các nhà nghiên cứu đã thí nghiệm cho chuột nhiễm BA.2 và BA.1. Kết quả cho thấy những con chuột nhiễm BA.2 có các triệu chứng nặng hơn và có chức năng phổi kém hơn. Trong các mẫu mô, phổi của chuột lang bị nhiễm BA.2 bị tổn thương nhiều hơn phổi của chuột bị nhiễm BA.1.
BA.2 cũng có nhiều đột biến hơn so với chủng gốc của virus SARS-CoV-2 xuất hiện lần đầu ở Vũ Hán (Trung Quốc). Biến thể tàng hình của Omicron cũng có hàng chục gien đột biến so với chủng Omicron gốc, khiến nó mang những đặc tính khác biệt với các biến thể Alpha, Beta, Gamma và Delta.
Tiến sĩ Daniel Rhoads, trưởng bộ phận vi sinh tại Phòng khám Cleveland ở Ohio, cho biết: “Dựa trên nghiên cứu mới, có thể thấy BA.2 là một biến thể nguy hiểm hơn, lây lan nhanh hơn và gây ra triệu chứng nặng hơn so với BA.1”.
Bà Kei Sato, nhà nghiên cứu tại Đại học Tokyo, người đã thực hiện nghiên cứu, lập luận rằng những phát hiện này cho thấy rằng BA.2 không nên được coi là một nhánh của Omicron và cần được giám sát chặt chẽ hơn. Bà Sato giải thích BA.2 được gọi là biến thể tàng hình của Omicron vì nó không thể phát hiện trong các xét nghiệm PCR thông thường. Do đó, các phòng thí nghiệm cần thực hiện bước bổ sung và giải trình tự gien để tìm ra biến thể này.
Tương tự như biến thể gốc Omicron, BA.2 có khả năng phá vỡ các kháng thể trong máu của những người đã tiêm vaccine COVID-19. Nó cũng có khả năng chống lại kháng thể của những người đã từng mắc COVID-19 trước đó, bao gồm cả chủng Alpha và Delta. BA.2 gần như kháng hoàn toàn với một số phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng.
Nhưng có một tín hiệu tích cực, đó là trong máu của những người nhiễm biến thể Omicron dường như cũng có một số kháng thể bảo vệ chống lại BA.2, đặc biệt nếu họ đã được tiêm chủng. Điều đó cho thấy dù BA.2 có vẻ dễ lây lan và gây bệnh nặng hơn chủng gốc Omicron, nhưng nó có thể không gây ra một làn sóng lây nhiễm COVID-19 tàn khốc hơn.
Deborah Fuller, nhà virus học tại Đại học Y khoa Washington, người đã xem xét nghiên cứu nhưng không tham gia, cho rằng: “Có thể chúng ta sẽ cần một ký tự Hy Lạp mới”. Chuyên gia này ám chỉ việc các biến thể mới thường được đặt tên dựa trên bảng chữ cái Hy Lạp.
Theo dữ liệu thực tế, biến thể tàng hình của Omicron BA.2 dễ lây lan hơn chủng gốc của Omicron khoảng 30% đến 50%. BA.2 đã xuất hiện ở 74 quốc gia và 47 bang của Mỹ. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ ước tính rằng khoảng 4% người mắc COVID-19 ở nước này hiện nhiễm chủng BA.2. Biến thể này cũng đã trở thành chủng thống trị ở ít nhất 10 quốc gia khác: Bangladesh, Brunei, Trung Quốc, Đan Mạch, Guam, Ấn Độ, Montenegro, Nepal, Pakistan và Philippines, theo báo cáo dịch tễ hàng tuần của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Tuy nhiên, có nhiều bằng chứng khác nhau về mức độ nghiêm trọng của BA.2 trên thực tế. Tại một số quốc gia mà chủng BA.2 đang chiếm ưu thế, tỷ lệ nhập viện ngày càng giảm, như Nam Phi và Anh. Nhưng ở Đan Mạch, nơi BA.2 đã trở thành chủng thống trị, số ca nhập viện và tử vong lại đang tăng lên.