Một nhóm biệt kích SEAL của Hải quân Mỹ đã đột kích từ ngoài khơi nhằm vào một thị trấn ven biển miền nam Somalia với sứ mạng tiêu diệt một thủ lĩnh tổ chức al-Shabaab, lực lượng tiến hành vụ khủng bố đẫm máu nhằm vào trung tâm thương mại ở Nairobi, Kenya vừa qua.Mục tiêu của nhóm SEAL là một thủ lĩnh của al-Shabaab được cho là đang có mặt trong căn nhà hai tầng nằm sát biển ở Barawe. Tuy nhiên, vấp phải hỏa lực chống trả dữ dội trong khoảng một giờ đồng hồ, biệt kích SEAL đã phải rút đi mà chưa xác nhận tiêu diệt được mục tiêu.
Phiến quân Shabaab, lực lượng gây ra vụ thảm sát tại trung tâm thương mại Westgate, Nairobi, làm 67 người thiệt mạng. |
Vụ đột kích nói trên diễn ra 20 năm sau trận “Black Hawk Down” nổi tiếng ở Mogadishu. Phiến quân Somalia khi đó đã bắn hạ hai trực thăng Mỹ đang thực hiện sứ mạng bắt giữ các thủ lĩnh chiến tranh địa phương, 18 lính Mỹ thiệt mạng và xác họ bị kéo lê trên đường phố Mogadishu. Sau vụ này, quân đội Mỹ đã giới hạn các chiến dịch can thiệp vào Somalia chỉ còn là những vụ tấn công bằng tên lửa, hoặc các chiến dịch chớp nhoáng của biệt kích.
Cùng ngày 5/10, chỉ vài tiếng sau vụ tấn công tại Somalia, các đặc nhiệm Mỹ cũng đã đột kích bắt giữ thủ lĩnh al Qaeda tại Libya, kẻ có cái đầu được treo thưởng 5 triệu USD vì liên quan đến loạt vụ đánh bom sứ quán Mỹ ở Đông Phi 15 năm trước.
Giới chức Mỹ xác nhận thủ lĩnh al Qaeda Nazih Abdul-Hamed al-Ruqai, biệt danh Anas al-Libi đã bị bắt và đây là đòn giáng mạnh vào hệ thống còn lại của tổ chức al Qaeda "nguyên bản", từng do Osama bin Laden cầm đầu.
Al-Libi được cho là đã trở về Libya trong cuộc nội chiến 2011, dẫn đến lật đổ cựu lãnh đạo Moammar Gadhafi.
Vụ bắt giữ diễn ra chớp nhoáng sau buổi cầu nguyện sáng thứ bảy. Al-Libi ngồi trong xe ô tô do người em Nabih cầm lái, vừa đỗ xuống bên ngoài nhà hắn thì ba chiếc xe khác ập đến. Các đặc nhiệm Mỹ đập cửa sổ xe, tước súng và lôi hắn đi.
Al-Libi nằm trong danh sách truy nã gắt gao hàng đầu của FBI với 5 triệu USD treo thưởng. Hắn từng bị tòa án ở New York kết tội liên quan đến loạt vụ đánh bom sứ quán Mỹ ở Tanzania và Nairobi, Kenya vào 7/8/1998 làm hơn 250 người thiệt mạng.
Thu Hằng (AP)