Đầu tuần trước, những chiếc máy bay chở hàng viện trợ hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế Bole của thủ đô Addis Ababa, Ethiopia, đã mang theo nhiều hàng hóa hơn. Chuyến bay từ Trung Quốc đã vận chuyển hơn nửa triệu khẩu trang và nhiều vật tư y tế khác đến quốc gia này, tất cả đều do các công ty xây dựng và công nghệ Trung Quốc quyên góp.
Lô hàng này chỉ là một trong hàng loạt hỗ trợ mà các công ty Trung Quốc đang thực hiện nhằm cải thiện hệ thống y tế có nguy cơ bị quá tải vì dịch COVID-19. Các nhà quan sát cho rằng đây cũng là một phần trong việc thúc đẩy quyền lực mềm của những doanh nghiệp đang có ý định cải thiện dấu ấn thương mại và hồ sơ trách nhiệm xã hội của họ trên “lục địa đen”.
Đại dịch COVID-19 đã lan sang châu Phi vào khoảng tháng 3 khiến tình trạng thiếu hụt vật tư y tế trở thành gánh nặng lớn đối với các quốc gia này. Số lượng dụng cụ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và thiết bị bảo hộ chỉ còn rất ít.
Trong bối cảnh đó, tỉ phú Jack Ma, nhà sáng lập công ty thương mại điện tử khổng lồ Trung Quốc Alibaba, đã nhanh chóng hành động. Ông đã hỗ trợ hàng triệu bộ dụng cụ xét nghiệm virus và khẩu trang cho các quốc gia đang gặp phải thách thức khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn.
Kể từ đó, một loạt hỗ trợ từ các công ty Trung Quốc khác cũng đã được đưa đến nhiều quốc gia trên khắp lục địa. Ở phía Nam, công ty công nghệ Huawei, Tứ Xuyên PD Times và Công ty kỹ thuật Sinohydro đã viện trợ thiết bị y tế cùng tiền mặt cho Zimbabwe.
Ở phía Bắc, vào tháng trước, Tập đoàn Xây dựng Kiến trúc Trung Quốc (CCECC), một chi nhánh của Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước, đã chuyển một bệnh viện dã chiến có quy mô 283 giường bệnh, bao gồm 6 giường chăm sóc đặc biệt đến thủ đô Abuja ở Nigeria.
Một vài tuần trước đó, công ty Trung Quốc này cũng đã gửi đội ngũ chuyên gia y tế gồm 15 thành viên và vận chuyển lô vật tư y tế trị giá 2 triệu USD, bao gồm bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19, máy thở và khẩu trang đến Algeria. CCECC cũng cam kết sẽ xây dựng một bệnh viện tương tự tại quốc gia này.
Trong 3 tháng qua, Bắc Kinh đã gửi nhiều chuyên gia y tế đến hàng chục quốc gia châu Phi nhằm hỗ trợ các quốc gia chống lại đại dịch COVID-19, bao gồm Algeria, Nigeria, Ethiopia, Djibouti, Zimbabwe, Cộng hòa Dân chủ Congo, Guinea Xích đạo, Ivory Coast và Burkina Faso.
Trong hầu hết các trường hợp, nhân viên, vật tư và thiết bị y tế được gửi đến châu Phi đều được tài trợ bởi các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại lục địa này.
Ngoài ra, các bác sĩ Trung Quốc cũng đã tổ chức các cuộc hội thảo trực tuyến với nhiều đối tác châu Phi để chia sẻ kinh nghiệm của họ trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh COVID-19. Huawei, nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất lục địa, đã và đang giúp họ tạo ra những kết nối đó.
“Chúng tôi đã hỗ trợ các trang thiết bị trong các hội nghị trực tuyến cho các tổ chức có liên quan để ứng phó với đại dịch COVID-19”, Giám đốc điều hành của Huawei tại Kenya, Stone He, cho biết.
Huawei chỉ là một trong số hơn 10.000 công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc có mặt tại châu Phi. Hầu hết các doanh nghiệp này đều tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn như đường sắt và cầu cảng, theo báo cáo của McKinsey năm 2017.
Với các nhà tài trợ truyền thống như Mỹ và các quốc gia châu Âu vẫn đang phải vật lộn với đại dịch COVID-19, Trung Quốc đã bước vào khu vực này để "lấp đầy khoảng trống" ở châu Phi như một nhà viện trợ then chốt của lục địa.
Tuy nhiên, một số nhà phê bình, bao gồm cả chính quyền Tổng thống Donald Trump, đã cáo buộc Bắc Kinh đang cố gắng đánh lạc hướng sự chú ý của toàn cầu khỏi những sai lầm của họ trong việc đối phó khủng hoảng virus SARS-CoV-2 ban đầu.
Bà Lina Benabdallah, trợ lý Giáo sư chính trị chuyên về quan hệ Trung Quốc - Châu Phi tại Đại học Wake Forest ở Bắc Carolina, cho rằng việc các công ty viện trợ vật tư y tế cho các quốc gia trong đại dịch COVID-19 là cơ hội để Trung Quốc cải thiện nhận thức chung của người dân châu Phi.
“Việc viện trợ cho các quốc gia châu Phi mang lại cho các công ty này cơ hội duy nhất để quảng bá hình ảnh và tạo danh tiếng là các công ty quan trọng và có trách nhiệm với xã hội”, bà Benabdallah nói.
Ông David Shinn, cựu Đại sứ Mỹ tại Ethiopia và Burkina Faso, cho biết đây là lần đầu tiên ông thấy nhiều công ty nhà nước và tư nhân Trung Quốc hỗ trợ lớn cho các quốc gia châu Phi.
“Quy mô quyên góp cho đại dịch COVID-19 ở châu Phi của các công ty Trung Quốc lớn hơn những lần tôi từng thấy trước đây”, ông Shinn, Giáo sư trợ lý tại trường Quan hệ Quốc tế Elliott thuộc Đại học George Washington, nói.
Là quốc gia đầu tiên bùng phát virus SARS-CoV-2, tính đến ngày 9/6, Trung Quốc đã ghi nhận trên 4.600 ca tử vong trong đại dịch COVID-19. Quốc gia này đã giúp đỡ nhiều quốc gia khác ở các khu vực châu Âu, Trung Đông, châu Phi và châu Á ngăn chặn dịch bệnh. Đây không phải là lần đầu tiên họ cung cấp viện trợ nhân đạo trong cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, nhưng theo các quan chức Bắc Kinh, đây là nỗ lực lớn nhất kể từ năm 1949.
Bà Miwa Hirono, chuyên gia về viện trợ nước ngoài của Trung Quốc tại Đại học Ritsumeikan ở Nhật Bản, cho biết không giống như viện trợ y tế mà Bắc Kinh cung cấp cho Tây Phi trong đợt dịch Ebola từ 2014 đến 2016, chính sách “ngoại giao khẩu trang” của họ khiến nhiều người liên tưởng đến giả định cho rằng “Trung Quốc đang cố gắng vươn lên dẫn đầu thế giới bằng cách cải thiện hình ảnh của mình và tăng cường sức mạnh mềm bằng việc viện trợ khẩu trang”.
Tuy nhiên, nhà phân tích Miwa Hirono đánh giá đề nghị giúp đỡ của Trung Quốc có thể không giúp ích nhiều trong việc cải thiện hình ảnh của nước này ở bên ngoài.
“Trong thời gian ngắn, những quốc gia nhận viện trợ khẩu trang và thiết bị y tế sẽ đánh giá cao sự giúp đỡ của Trung Quốc. Nhưng về lâu dài, thật khó tưởng tượng những nước ban đầu vốn rất quan tâm đến cách hành xử quốc tế của Trung Quốc, sẽ nhanh chóng quên đi những gì Trung Quốc đã gây ra để tin vào quyền lực mềm của Bắc Kinh", bà nói.