Hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức trong lực lượng Taliban cho biết ông Baradar, người đứng đầu nhánh chính trị của Taliban, sẽ lãnh đạo chính phủ mới. Lãnh đạo tôn giáo tối cao của Taliban, Haibatullah Akhundzada, sẽ phụ trách các vấn đề tôn giáo và điều hành trong khuôn khổ đạo Hồi.
Theo các nguồn tin, dự kiến chính phủ sẽ bao gồm 25 bộ và một hội đồng tham vấn gồm 12 học giả Hồi giáo. Theo kế hoạch, trong vòng 6 đến 8 tháng, Hội đồng đại diện sẽ được thành lập để thảo luận về Hiến pháp và cấu trúc của chính phủ tương lai.
Các nguồn tin cho biết ưu tiên trước mắt hiện nay của chính phủ mới sẽ là cứu vãn nền kinh tế sau nhiều thập kỷ bị tàn phá bởi chiến tranh, giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo và những nguy cơ từ các nhóm cực đoan đe dọa đến an ninh và ổn định của đất nước.
Hiện có nhiều thông tin khác nhau về thời điểm chính xác công bố chính phủ mới, theo đó việc công bố sẽ diễn ra sớm nhất là trong ngày 4/9 hoặc có thể sang giữa tuần tới.
Trong khi chuẩn bị cho chính quyền mới tại Kabul, lực lượng Taliban đang vấp phải phản kháng dữ dội từ lực lượng NRF tại thung lũng Panjshir trong cuộc giao tranh bắt đầu từ ngày 2/9. Đây là tỉnh duy nhất mà lực lượng này chưa giành được quyền kiểm soát. Hai bên tham chiến đều cho biết đã gây thương vong lớn cho phía đối phương.
Hiện tại cộng đồng quốc tế dành sự quan tâm tới việc Taliban sẽ thực hiện ra sao những cam kết về cơ chế lãnh đạo mới. Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẵn sàng làm việc với chính phủ mới tại Kabul, nhưng mức độ hợp tác sẽ phụ thuộc vào "thiện chí của Taliban trong việc đáp ứng một số điều kiện", trong đó có việc thành lập chính phủ chuyển tiếp thông qua đàm phán với tất cả lực lượng chính trị tại Afghanistan.
Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết chưa có kế hoạch dỡ phong tỏa đối với tài sản trị giá hàng tỷ USD của chính phủ Afghanistan, bao gồm vàng, các khoản đầu tư và dự trữ ngoại hối được cất giữ tại Mỹ. Các tài sản này đã bị Washington đóng băng kể từ sau khi Taliban giành quyền kiểm soát Kabul cách đây 2 tuần.