Campuchia: Công nhân dệt may, da giày trở lại làm việc

Đa số công nhân ngành dệt may và da giày ở Campuchia ngày 2/1 đã quay lại làm việc sau một tuần các nhà máy đóng cửa vì các cuộc đình công trên toàn quốc. Trong khi đó, đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) đối lập tiếp tục kêu gọi tổ chức đình công.

Chủ tịch CNRP Sam Rainsy (phải), Phó Chủ tịch CNRP Kem Sokha tại buổi họp báo ngày 28/12/2013. Ảnh: Xuân Khu - TTXVN


Phát ngôn viên Bộ Lao động Campuchia Heng Sour cho biết sáng nay có khoảng 500 công ty trong tổng số 900 công ty may mặc đã mở cửa trở lại và khoảng 80% số công nhân đã quay trở lại làm việc. Hiện Campuchia có khoảng 600 nghìn công nhân làm việc trong lĩnh vực may mặc và đem lại lợi nhuận xuất khẩu hàng năm lên tới 5 tỷ USD.

Nhằm giảm căng thẳng leo thang, trước đó, ngày 31/12/2013, Chính phủ Campuchia đã quyết định nâng mức lương tối thiểu cho công nhân trong lĩnh vực dệt may từ 80 USD lên 100 USD/một tháng.

Trong khi công nhân dệt may và da giày thuộc một số nhà máy ở thủ đô Phnom Penh và các tỉnh Kongpong Speu, Kongpong Chnang, Kandal… tiếp tục biểu tình đòi tăng lương tối thiểu lên 160 USD, gấp đôi mức hiện nay; hàng trăm công nhân thuộc đặc khu kinh tế ở thủ đô Phnom Penh tiếp tục đình công và xông vào các nhà máy, yêu cầu các công nhân khác cùng tham gia đình công, buộc các nhà máy trong đặc khu này phải đóng cửa.

Trong một diễn biến liên quan khác, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Campuchia Rong Chhun cho biết sáu tổ chức thành viên của liên đoàn này đã ra tối hậu thư cho chính phủ và Hiệp hội các nhà sản xuất hàng may mặc (GMAC) về thời hạn ba ngày để đạt được thỏa thuận tăng lương tối thiểu cho các công nhân trong lĩnh vực may mặc, cảnh báo rằng nếu như yêu cầu này không được đáp ứng, các tổ chức này sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc đình công quy mô lớn trên toàn quốc.

Trước những động thái của phe đối lập và Liên đoàn Lao động, cố vấn của Thủ tướng Hun Sen tuyên bố chính đảng đối lập CNRP đứng đằng sau, kích động công nhân ngành may mặc đình công và cho rằng CNRP đang cố gắng hủy diệt đất nước và cuộc sống của công nhân cũng như gia đình họ khi ép buộc các nhà đầu tư phải rời khỏi Campuchia.

Các cuộc đình công trên diễn ra trong bối cảnh tình hình căng thẳng chính trị tại Campuchia đang nhen nhóm hy vọng khởi sắc khi các quan chức cấp cao của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền cho biết nhóm làm việc gồm 3 thành viên của CPP và CNRP sẽ gặp nhau vào ngày mai (3/1) để thảo luận chương trình cho cuộc đàm phán sắp tới giữa lãnh đạo cấp cao hai đảng nhằm ổn định tình hình căng thẳng kể từ sau cuộc bầu cử Quốc hội tháng 7/2013.


TTXVN/Tin tức
Campuchia: 10 người bị bắt giữ do biểu tình bạo lực
Campuchia: 10 người bị bắt giữ do biểu tình bạo lực

Một vụ đụng độ kéo dài 20 phút giữa lực lượng an ninh Campuchia và các công nhân đình công tại nhà máy dệt Yak Jing ở ngoại ô thủ đô Phnom Penh đã làm một số người biểu tình bị thương và 10 người bị bắt giữ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN