Vết nứt lớn đến mức có thể nhìn thấy trên hình ảnh vệ tinh do được ông ty Planet Labs Inc. chụp lại.
Dựa trên hình ảnh được lan truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, vết nứt cắt ngang qua sa mạc và đường quốc lộ 178 ngoại ô thị trấn Trona, hạt San Bernardino.
“Hai trận động đất 6,4 độ và 7,1 độ trong hai ngày 4-5/7 xảy ra trên tầng đứt gãy”, Glenn Biasi – một nhà địa vật lý làm việc tại Cơ quan Thăm dò Địa chất Mỹ (USGS) tại Pasadena, California – lý giải.
Theo USGS, đứt gãy là hiện tượng xuất hiện một vết nứt hoặc vùng gãy giữa hai khối đá/đất. Các khe nứt cho phép các khối dịch chuyển một cách tương đối với nhau. Chuyển động này có thể diễn biến một nhanh chóng, hình thành trận động đất - hoặc có thể xảy ra chậm, dưới dạng lở đất.
Trả lời phỏng vấn tờ Live Science, Michele Cooke - một nhà địa chất học tại Đại học Massachusetts-Amherst – lưu ý trận động đất hôm 4/7 tạo ra vết nứt gãy theo 2 hướng vuông góc với nhau và điều này rất hiếm gặp.
Video hình ảnh vết nứt quay từ trên cao (nguồn: Sputnik):
Ngày 4/7, một trận động đất mạnh 6,4 xảy ra tại vùng sa mạc Mojave, cách thành phố Ridgecrest 10km và có thể cảm nhận được tại thành phố Los Angeles và thậm chí cả ở Las Vegas. Sau đó một ngày, phía Nam bang California lại tiếp tục hứng chịu cơn động đất 7,1 độ. Với cường độ 7,1, trận động đất này được xác định là mạnh nhất trong 20 năm qua tại bang California. Trận động đất đã làm đổ nhiều tòa nhà, gây mất điện trên diện rộng tại thị trấn Trona, trong khi hệ thống nước và thông tin cũng bị cắt đứt. May mắn không có trường hợp tử vong nào được báo cáo.
Ít nhất 159 cơn dư chấn có cường độ 2,5 hoặc lớn hơn được ghi nhận sau trận động đất đầu tiên. Các chuyên gia quan ngại rằng hai trận động đất mạnh kèm theo nhiều dư chấn đã dấy lên quan ngại về khả năng xảy ra một trận động lớn có tên "Big One", dọc đứt gãy San Andreas, có thể phá hủy nhiều thành phố phía Nam California.