Giới chuyên gia cho rằng cần nghiên cứu sâu hơn về biến thể này và cân nhắc việc điều chỉnh các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện nay để có thể ngăn chặn biến thể mới.
Theo các nhà khoa học, biến thể Omicron được phát hiện lần đầu tiên tại Nam Phi ở cả những người đã và chưa tiêm chủng, và những người nhiễm biến thể này dù xuất hiện triệu chứng rất mệt mỏi nhưng vẫn ở thể nhẹ. Nhà virus học Tony Cunningham thuộc Viện Westmead (Australia) cho biết các nhà khoa học trên thế giới đang nghiên cứu xem các loại vaccine hiện nay có hiệu quả đủ cao để có thể tạo miễn dịch trước biến thể Omicron hay không. Giáo sư Cunningham với kinh nghiệm 40 năm trong lĩnh vực vaccine, hy vọng rằng các loại vaccine phòng COVID-19 đang được sử dụng tại Australia, như vaccine của Pfizer, Moderna, AstraZeneca, có thể ngăn ngừa khả năng bị bệnh nặng nếu nhiễm biến thể Omicron. Theo ông, chỉ cần một lượng nhỏ kháng thể là có thể phòng ngừa nguy cơ bệnh nặng.
Nhà dịch tễ học Catherine Bennett thuộc Đại học Deakin (Australia) cho biết các nhà khoa học sẽ phân tích tỷ lệ lây nhiễm thực tế ở Nam Phi và các quốc gia khác ở châu Phi để xác định tỷ lệ lây nhiễm ở những người đã tiêm và chưa tiêm vaccine. Tuy nhiên, một trong những vấn đề đặt ra là số người tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở khu vực này vẫn còn thấp. Hiện tỷ lệ tiêm chủng tại Nam Phi chỉ đạt 24,1% dân số. Bà Bennett cũng hy vọng rằng các loại vaccine hiện nay vốn có khả năng bảo vệ trước các biến thể khác, đặc biệt là giảm nguy cơ bệnh nặng, cũng sẽ có tác dụng tương tự trước biến thể Omicron.
Hiện các nhà sản xuất vaccine phòng COVID-19 như Pfizer và Moderna đang xem xét việc điều chỉnh vaccine của các hãng này trước sự xuất hiện của biến thể mới Omicron. Giáo sư Bennett nhận định có thể chỉ mất vài tuần để có thể phát triển được loại vaccine "thế hệ mới" dựa trên các loại vaccine có sẵn. Đây là điểm mạnh của vaccine công nghệ mRNA, có thể nhắm vào những biến thể cụ thể, như Omicron, mà không cần phải bào chế một loại vaccine mới.