Canada tiết lộ lý do trả lại tuabin khí Nord Stream cho Đức

Chính phủ Đức đã gây áp lực buộc Canada bàn giao lại một tuabin có vai trò quan trọng để duy trì đường ống Nord Stream 1 đưa khí đốt của Nga trực tiếp đến Đức qua Biển Baltic.

Chú thích ảnh
Olaf Scholz của Đức và Justin Trudeau của Canada, được chụp trong một hội nghị thượng đỉnh G7. Ảnh: Euractiv.com

Theo trang tin châu Âu Euractiv.com ngày 23/8, sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết quyết định trả lại tuabin cần thiết cho việc duy trì đường ống dẫn khí Nord Stream 1 vào tháng trước cho Đức nhằm phản ứng lại "chiến lược vũ khí hóa chính sách năng lượng" của Nga.

Trước áp lực từ Berlin, Ottawa đã chấp nhận đưa tuabin đang bảo dưỡng ở Montreal về Đức, sau đó sẽ giao nó cho Nga. Điện Kremlin cho biết họ sẽ tăng cường cung cấp khí đốt cho châu Âu nếu tuabin được đưa trở lại.

Quyết định này, kéo theo việc Siemens Canada miễn trừ các lệnh trừng phạt của Nga, đã bị phía Ukraine chỉ trích gay gắt vì cho rằng hủy hoại các hành động chống Moskva.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Đức Scholz, Thủ tướng Canada Trudeau nêu rõ việc trả lại tuabin là "quyết định khó khăn", nhưng giúp "loại bỏ lý do" để Điện Kremlin cắt giảm xuất khẩu khí đốt và "phản đối nỗ lực của Nga gây chia rẽ các nước ủng hộ Ukraine", cũng như "đổ lỗi cho bất kỳ ai khác - như Canada - vì đã không thực hiện các hợp đồng khí đốt của mình". 

Về phần mình, Thủ tướng Đức hoan nghênh “những người bạn Canada”. Ông Scholz nói: “Đây là một quyết định quan trọng, khi nó cho thấy chiến lược của Moskva nhằm chia rẽ các đồng minh và làm giảm sự ủng hộ đối với Ukraine". 

Mối quan hệ thăng trầm giữa Đức và Canada

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có chuyến công du đầu tiên tới Canada từ 21/8 để tăng cường hợp tác giữa hai nước sau một cuộc tranh cãi hồi tháng 7 về việc bảo trì một tuabin dành cho đường ống dẫn khí Nord Stream 1.

Vào tháng 7, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock đã cảnh báo Ottawa về "cuộc nổi dậy của người dân" nếu Canada không trả lại tuabin do Siemens sản xuất cho Gazprom, vốn được gửi đến Canada để bảo trì. Cuối cùng, Chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau đã đồng ý, điều mà một quan chức cấp cao của Đức đánh giá là “một quyết định không dễ dàng về mặt chính sách”.

Mối quan hệ giữa Canada và Đức, hai quốc gia thành viên Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và đều là thành viên NATO, đã có những bước thăng trầm. Berlin từng ngầm phản đối các phần của thỏa thuận thương mại EU - Canada được gọi là CETA.

Với việc phê chuẩn CETA được lên kế hoạch vào mùa Thu, ông Scholz lạc quan về việc mở ra một chương mới trong quan hệ Đức - Canada: hợp tác sâu hơn về thương mại, năng lượng và tài nguyên. “Chúng tôi muốn có một mạng lưới hợp tác công nghiệp đáng tin cậy để tận dụng những lợi thế mà Canada và Đức có”, Scholz nói với tờ báo Globe and Mail của Canada hồi đầu tháng 8.

Điều này được thể hiện thông qua phái đoàn tháp tùng chuyến thăm của Thủ tướng Scholz, với Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck và người đứng đầu ngành công nghiệp Đức cùng giám đốc điều cũng như thành viên hội đồng quản trị của các công ty như Bayer, Siemens, VW, Mercedes-Benz, TÜV Nord và Uniper.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Đức Olaf Scholz và người đồng cấp Canada Justin Trudeau trong một cuộc họp báo chung. Ảnh: ctvnews.ca

Các công ty Đức, bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine, đang hy vọng có một sự thúc đẩy đối với hoạt động kinh doanh của họ do CETA được phê chuẩn. Ông Peter Adrian, Chủ tịch phòng công nghiệp và thương mại Đức (DIHK), cho biết: “Thỏa thuận sẽ mang lại một tín hiệu hiệu quả cho thị trường mở và thương mại dựa trên quy tắc trong thời điểm chính sách thương mại khó khăn nói chung".

Vào cuối năm 2020, Đức là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ bảy tại Canada, với khoảng 32 tỷ USD đầu tư. “Canada không chỉ là một đối tác thương mại, mà còn là một người bạn thân mà chúng tôi chia sẻ nhiều điều, chẳng hạn như các giá trị chung”, Bộ trưởng Habeck nói trước chuyến thăm.

Hợp tác năng lượng

Năng lượng và năng lượng tái tạo là một mục lớn khác trong chương trình nghị sự bên cạnh thương mại trong mối quan hệ hợp tác Berlin - Ottawa. 

Đối với Đức, để giảm sự phụ thuộc vào Nga, nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) là một ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, mặc dù Canada là nhà sản xuất khí đốt lớn thứ tư thế giới, khả năng biến khí đốt thành LNG của nước này còn hạn chế.

Các doanh nghiệp Canada đang xây dựng các cơ sở để nâng cao năng lực xuất khẩu LNG còn yếu kém của nước này. Theo một quan chức cấp cao, Berlin dự kiến nhận được ít khí đốt từ Ottawa trong hai năm tới. Tuy nhiên, với việc Đức có xu hướng tiếp tục nhập khẩu khí đốt tốt vào những năm 2030, một đối tác về năng lượng tái tạo tiềm năng có thể là khả thi hơn.

Ngoài nhiên liệu hóa thạch, Đức hy vọng sẽ xuất khẩu Energiewende của mình - một quá trình chuyển đổi đang diễn ra của Đức sang một nguồn cung cấp năng lượng carbon thấp, thân thiện với môi trường, đáng tin cậy và giá cả phải chăng.

Công Thuận/Báo Tin tức
Mỹ, Đức không ủng hộ việc cấm cấp thị thực cho công dân Nga
Mỹ, Đức không ủng hộ việc cấm cấp thị thực cho công dân Nga

Mỹ ngày 22/8 đã từ chối đề nghị của Ukraine về cấm hoàn toàn việc cấp thị thực cho công dân Nga và cho biết Washington không muốn đóng chặt cửa đối với người dân nước này. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN