Đáp lại Tehran tuyên bố ngay trong tuần này sẽ rút khỏi một số phần của Thoả thuận hạt nhân lịch sử năm 2015.
Mong manh Thoả thuận hạt nhân
"Cộng hòa Hồi giáo Iran sẽ đáp trả việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và những lời hứa tồi tệ của các nước châu Âu trong việc thực hiện nghĩa vụ của họ bằng cách tái khởi động một phần các hoạt động hạt nhân đã bị dừng lại theo khuôn khổ thỏa thuận này", hãng tin nhà nước Iran IRIB hôm 6/5 dẫn nguồn tin thân cận với Ủy ban Giám sát thỏa thuận cho biết.
Theo đó, Tổng thống Hassan Rouhani sẽ tuyên bố Iran giảm một số cam kết "nhỏ và chung chung" trong thỏa thuận vào ngày 8/5, đúng 1 năm kể từ khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận.
Hãng thông tấn ISNA của Iran cũng đưa tin Tehran sẽ công bố các hành động đáp trả việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân vào ngày 8/5 và một số lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã được thông báo không chính thức về quyết định này.
Thỏa thuận hạt nhân Iran, có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) được ký giữa Iran với 6 cường quốc gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc vào năm 2015, là kết quả của 15 năm đàm phán ngoại giao. EU thừa nhận mối quan ngại về Iran nhưng họ tin rằng Tehran đang tuân thủ thỏa thuận và không có dấu hiệu sẽ rút khỏi thỏa thuận này dù bị chính quyền Tổng thống Trump nhiều lần hối thúc.
Theo thoả thuận 2015, Iran đưa gần 97% kho dự trữ nhiên liệu hạt nhân ra khỏi đất nước và các chuyên gia tin rằng họ không còn đủ nguyên liệu để chế tạo một vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, sau khi Mỹ rút khỏi thoả thuận, Iran đã tìm cách vượt “làn ranh” tiến đến từ bỏ thoả thuận, đồng thời tiếp tục bán dầu cho các khách hàng nước ngoài nhằm khôi phục nền kinh tế.
Dù vậy, nỗ lực bán dầu của Iran lại gặp khó khăn khi tháng trước chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố ngừng cấp quy chế miễn trừ mua dầu của Iran cho một số nước được miễn trừ, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.
Trước đó, Washington cũng đã có hàng loạt động thái cô lập Iran. Tháng 5/2018, Tổng thống Donald Trump ra lệnh rút Mỹ khỏi Thoả thuận lịch sử được ký dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama. Mới tháng 3 vừa qua, Chính quyền Mỹ tuyên bố liệt Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran vào danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài.
Đáp lại, trong cuộc trả lời phỏng vấn tại New York cuối tháng 4, Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif tuyên bố đất nước ông “đang chịu áp lực hàng ngày” phải từ bỏ thoả thuận hạt nhân, như Mỹ đã làm.
Các động thái trên đã đẩy mối quan hệ giữa Mỹ và Iran xuống mức thấp kỷ lục mới sau một giai đoạn tương đối yên ả từ năm 2013.
Nguy cơ mất an toàn với lực lượng Mỹ ở Trung Đông
Ngay từ đầu các quan chức quốc phòng và tình báo Mỹ đã phản đối việc liệt lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào danh sách khủng bố vì lo ngại Tehran có thể đáp trả tương tự, coi lực lượng Mỹ là khủng bố và tấn công lực lượng quân đội, tình báo Mỹ trong khu vực.
Đúng như lo ngại đó, tuần trước Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố coi toàn bộ các lực lượng Mỹ ở Trung Đông là khủng bố và Chính quyền Mỹ là nhà nước tài trợ khủng bố.
Tờ New York Times mới đây dẫn nguồn tin từ ba quan chức cao cấp Mỹ cho biết thông tin tình báo xuất hiện cuối tuần trước đã dấy lên lo ngại về hoạt động của IRGC tại Iraq, nơi lực lượng này đang giúp huấn luyện các tay súng người Shi'ite.
Chiều ngày 6/5, một thông báo của Lầu Năm góc cho biết “Iran đã sẵn sàng cao tiến hành các hoạt động gây hấn chống lại lực lượng Mỹ và các lợi ích Mỹ”. Trước thông tin này, Lầu Năm Góc đã điều đội một tàu sân bay cùng với các máy bay ném bom chuyển hướng tới Vùng Vịnh để bảo vệ quân đội và các lợi ích Mỹ.
Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton cho rằng việc triển khai tàu sân bay Abraham Lincoln và chiến đấu cơ tới Vùng Vịnh là nhằm cảnh báo Iran rằng Mỹ sẵn sàng phản ứng trước bất cứ hành động gây hấn nào nhằm vào các lực lượng và lợi ích của Washington trong khu vực.
Hải quân Mỹ đã không điều một tàu sân bay nào hoạt động tại Vịnh Persian kể từ đầu tháng 4, khi tàu sân bay John C. Stennis rời khu vực tới Địa Trung Hải tập trận cùng nhóm tàu sân bay Lincoln.
Xem tàu sân bay Lincoln hoạt động trên Đại Tây Dương (Nguồn: US Military News):
Nhóm tàu sân bay Lincoln bao gồm tàu tuần dương USS Leyte Gulf và các tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Bainbridge, USS Mason và USS Nitze. Hiện tại, Không quân Mỹ cũng đang có sẵn hai phi đội máy bay tàng hình F-35A tại căn cứ ở UAE. Cuối tháng 4 vừa qua, đội máy bay này đã tham gia sứ mạng chiến đấu đầu tiên với loạt cuộc không kích các mục tiêu khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq.