Trong một tuyên bố đưa ra tuần trước, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu, ông Hans Kluge đánh giá châu lục này đối mặt với nhiều thách thức khi bước vào năm 2021. Chỉ hơn 10 ngày tính từ đầu năm đến nay, trên 230 triệu người tại một số nước châu Âu đang phải sống trong tình trạng phong tỏa toàn phần và số nước dự kiến áp đặt biện pháp phong tỏa vẫn tiếp tục tăng.
Hiện tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn châu Âu vẫn ở mức rất cao. Tính đến ngày 6/1, gần 1/2 số nước và vùng lãnh thổ ở châu Âu ghi nhận tỷ lệ ca nhiễm mới trong 7 ngày ở mức hơn 150 ca/100.000 người dân, và 1/4 số nước và vùng lãnh thổ đang có số ca nhiễm tăng hơn 10% trong 2 tuần qua. Có 22 nước ở châu Âu đã ghi nhận sự xuất hiện biến thể của virus SARS-CoV-2, được phát hiện tại Anh và đang tăng nhanh ở Đan Mạch.
Theo ông Kluge, mặc dù không tạo ra thay đổi đáng kể nào đối với dịch COVID-19, song biến thể của virus SARS-CoV-2 đã dấy lên cảnh báo rằng nếu các nước không tăng cường kiểm soát, nó có thể tác động ngày một lớn đối với hệ thống y tế - vốn đã phải căng mình chống dịch.
Trong bối cảnh đó, nhiều nước châu Âu đã thúc đẩy chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân. Thay mặt 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), Ủy ban châu Âu (EC) đã đàm phán các thỏa thuận nhằm đảm bảo có được 760 triệu liều vaccine COVID-19, gồm loại do hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp bào chế và loại của hãng dược phẩm Moderna (Mỹ). Số liều vaccine mà EC đàm phán được này đủ để tiêm cho 0 triệu người dân, hơn 80% dân số châu Âu.
Ở Anh - nơi biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện, trên 2,2 triệu người đã được tiêm mũi đầu tiên vaccine phòng COVID-19. Ngày 11/1, Chính phủ Anh ước tính hàng chục triệu người dân nước này sẽ được tiêm phòng COVID-19 tại hơn 2.700 điểm tiêm chủng trên khắp cả nước vào mùa Xuân này. Bên cạnh đó, Anh còn có kế hoạch mở rộng chương trình tiêm chủng nhằm đảm bảo tất cả những người trưởng thành sẽ được tiêm chủng trước mùa Thu.
Tại Pháp, Bộ Y tế nước này cho biết trên 1.000 người dân đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Dự kiến Pháp sẽ nhận được 2,6 triệu liều vaccine vào cuối tháng này. Trong giai đoạn đầu tiên của chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19, Pháp ưu tiên tiêm vaccine cho những người dễ bị tổn thương tại các viện dưỡng lão trước cuối tháng 1.
Còn tại Đức, tính đến ngày 11/1, tổng cộng 613.347 người đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Các đối tượng được ưu tiên gồm người trên 80 tuổi, người sống trong các cơ sở chăm sóc và viện dưỡng lão, và nhân viên y tế tuyến đầu. Chính phủ nước này đặt mục tiêu có thể tiêm chủng cho toàn bộ người dân vào mùa Hè tới.
Đến nay, Tây Ban Nha đã nhận được 743.925 liều vaccine của Pfizer/BioNTech. Tuy nhiên, bão Filomena kéo theo mưa tuyết lớn đã khiến sân bay Madrid phải đóng cửa, các tuyến đường sắt đã phải ngừng hoạt động trong 48 giờ, khiến việc vận chuyển vaccine bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, Thụy Điển đã ký thỏa thuận thứ 5 để mua vaccine ngừa COVID-19. Với thỏa thuận mới nhất ký với hãng dược phẩm CureVac của Đức, Thụy Điển có thể đảm bảo 4,5 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho người dân. Trước CureVac, Thụy Điển đã ký thỏa thuận với các nhà cung cấp vaccine gồm Moderna, Pfizer, AstraZeneca và Janssen Pharmaceutica. Tính đến nay, nước này đã nhận được 175.500 liều vaccine ngừa COVID-19, và khoảng 40.000 liều vaccine đã được tiêm chủng cho người dân.
Mặc dù các nước châu Âu đang đẩy mạnh chương trình tiêm chủng, nhưng do số lượng vaccine được cung cấp vẫn ở mức hạn chế, cộng thêm việc virus SARS-CoV-2 lại xuất hiện một số biến thể mới, tình hình dịch bệnh ở châu lục này cũng như trên toàn cầu dự kiến vẫn còn diễn biến phức tạp trong những tháng tới.
Trưởng nhóm các nhà khoa học của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bà Soumya Swaminathan ngày 11/1 cảnh báo rằng trong năm nay chưa thể đạt được miễn dịch cộng đồng. Vì vậy, điều cần thiết là phải tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa như giãn cách xã hội, thường xuyên vệ sinh tay cũng như đeo khẩu trang nhằm hạn chế virus lây lan.