“Đối với tôi, chi phí tổ chức đám cưới cao đến mức đáng kinh ngạc. Chi phí dịch vụ khởi điểm từ vài triệu won và có thể tăng lên tới hàng chục triệu won”, cô Kim chia sẻ khi bắt đầu chuẩn bị cho ngày trọng đại.
Cô Jeon Sang-a - nhân viên văn phòng 31 tuổi khác định cư ở Suwon, tỉnh Kyunggi, vừa kết hôn vào tháng 9 năm ngoái - cũng đồng tình với quan điểm của Kim về gánh nặng kinh tế của việc kết hôn. Cô và chồng đã làm mọi thứ trong khả năng - tích góp tiền mừng cưới, sử dụng hết số tiền tiết kiệm trong nhiều năm, nhận sự giúp đỡ của cha mẹ, rút tiền từ một tài khoản ngân hàng chung - để trang trải chi phí đám cưới và mua trả góp đồ gia dụng.
“Thời điểm quyết định kết hôn, chúng tôi nhận ra rằng mọi thứ - từ việc tổ lễ cưới, mua nhà ở và sắm đồ đạc trong nhà - đều liên quan đến tiền bạc và các khoản này khá nhiều. Gánh nặng tài chính là có thật đối với mọi cặp vợ chồng, ngoại trừ việc họ yêu nhau nhiều đến mức nào”, cô Jeon chia sẻ.
Câu chuyện của cô Kim và Jeon là minh chứng điển hình cho báo cáo mới nhất của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc. Báo cáo chỉ ra rằng chỉ có khoảng 1/3 thanh niên Hàn Quốc có nhận thức tích cực về hôn nhân, 1/3 người Hàn Quốc chưa kết hôn cho rằng không đủ tiền đám cưới là lý do họ không kết hôn.
Các số liệu thống kê khác cũng cho thấy chi phí tổ chức đám cưới ở Hàn Quốc vô cùng cao.
Tính đến năm ngoái, một đám cưới ở Hàn Quốc tiêu tốn khoảng 47,2 triệu won (khoảng hơn 860 triệu đồng), theo khảo sát của Công ty mai mối Duo thực hiện trên 1.000 cặp đôi mới cưới.
Con số này bao gồm chi phí mua sắm nội thất (14,7 triệu won), thuê địa điểm tổ chức đám cưới (9,7 triệu won), quà cưới trao đổi giữa các gia đình (7,17 triệu won), tuần trăng mật (3,97 triệu won) và gói cưới bao gồm chụp ảnh, thuê váy, làm tóc và trang điểm (3 triệu won).
Theo trang web tổ chức đám cưới The Knot, chi phí tổ chức đám cưới ở Hàn QUốc còn đắt hơn cả những quốc gia khác như Anh (561 triệu đồng), và Mỹ (724 triệu đồng).
Tuy nhiên, số tiền thực tế mà các cặp vợ chồng Hàn Quốc cảm thấy họ cần để trang tải cho biệc kết hôn cao hơn nhiều - khoảng 287 triệu won (5,2 tỷ đồng), vì chi phí kết hôn theo truyền thống bao gồm cả tiền mua nhà ở.
Cuộc khảo sát cho biết nhà ở chiếm phần lớn nhất, khoảng 83,6%,trong chi phí chuẩn bị đám cưới, trung bình ở mức khoảng 240 triệu won (4,3 tỷ đồng). Con số này khác nhau tùy theo khu vực - từ 134 triệu won (2,4 tỷ đồng) ở tỉnh Gangwon đến khoảng 324 triệu won (5,9 tỷ đồng) ở thủ đô Seoul.
Dĩ nhiên, 92,7% số người tham gia khảo sát có quan điểm tích cực về việc tổ chức một đám cưới nhỏ, với lý do chính là để tiết kiệm chi phí. Cuộc khảo sát ước tính một đám cưới nhỏ, với ít khách mời hơn và lược bỏ các yếu tố nghi lễ thông thường, sẽ tiêu tốn khoảng 6,29 triệu won (115 triệu đồng), bằng khoảng 2/3 chi phí trung bình.
Tuy nhiên, lựa chọn đó ít khả thi hơn đối với nhiều người so với những gì họ ước tính.
Khoảng 35% số người tham gia khảo sát cho biết họ không thể đơn giản hóa kế hoạch đám cưới do kỳ vọng của cha mẹ. Những lý do hàng đầu khác là phong tục cưới xin thông thường của xã hội (31,2%), sự sẵn lòng tuân theo các chuẩn mực và thủ tục xã hội của các cặp đôi (18,7%) và lo ngại về cách người khác sẽ nghĩ về họ như thế nào (13%).
Bên cạnh lý do không đủ tiền để kết hôn, nhiều người Hàn Quốc cho biết họ không kết hôn vì cảm thấy không cần thiết, lo ngại áp lực về việc sinh nở và nuôi con, công việc không ổn định, chưa gặp được đối tượng kết hôn.
Số cặp đôi kết hôn tại Hàn Quốc đã giảm xuống mức kỷ lục mới trong năm 2022, làm tăng thêm mối lo ngại về tốc độ già hóa dân số khi tỷ lệ sinh tại nước này cũng đang giảm mạnh. Theo một quan chức thuộc Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, các cuộc hôn nhân giảm cũng sẽ tác động đến tỷ lệ sinh.
Trong số 249.000 trẻ sơ sinh chào đời trong năm 2022, có 72,5% trường hợp được sinh ra trong vòng 5 năm sau khi các cặp đôi kết hôn. Tổng tỷ suất sinh của Hàn Quốc (số con trung bình của một phụ nữ) là 0,78 vào năm 2022, cũng mức thấp nhất kể từ năm 1970.